Khai thác cát quá mức tại đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và những giải pháp cấp bách

Địa phương
10:25 PM 15/07/2022

Ngày 14/7/2022, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo báo cáo tiến độ Hoạt động xây dựng Ngân hàng cát và Kế hoạch duy trì ồn định hình thái sông khu vực ĐBSCL.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tiến độ triển khai và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án (DA) giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, đại diện khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, viện, trường, cơ quan nghiên cứu, đơn vị tư vấn.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Dự án quản lý khai thác cát bền vững

DA giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL, do Quỹ Sáng kiến khí hậu Quốc tế - BMU thông qua WWF Việt Nam, tài trợ. 

Mục tiêu của DA là xây dựng cơ sở dữ liệu Ngân hàng cát cho ĐBSCL, với sự phối hợp của các đối tác quan trọng; Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL; Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên qaun đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi trong lĩnh vực xây dựng; Đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát, sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững.

Để đạt được các mục tiêu trên, DA sẽ thực hiện nghiên cứu về Ngân hàng cát ở ĐBSCL, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng chính sách khai thác cát bền vững ở khối công tư, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL. Trong đó 2 nghiên cứu quan trọng nhất là xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCLvà Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL, được xem là những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở quy mô toàn ĐBSCL, trong đó 1 tỉnh sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của DA vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của tỉnh.

Theo Ban quản lý DA, tính đến nay, DA đã triển khai được khối lượng công việc rất lớn, đó là: Tham vấn các địa phương, như: Thông tin tiến độ, mục tiêu của DA; Dự thảo từng phần của kế hoạch RGSPlan, tài liệu bổ sung; Thu thập các ý kiến về hoạt động khai thác cát và xói lở; Thảo luận những khó khăn, những giai đoạn ưu tiên về hoạt động khai thác cát cũng như quản lý giám sát...

photo-1657897370816

Đại diện Sở TNMT tỉnh An Giang phát biểu tại hội thảo

Trong những năm qua, việc khai thác cát sông ở ĐBSCL chủ yến bằng phương pháp hút thổi và xáng cạp, diễn ra quá mức gây xói mòn, sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến môi trường sống và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật. 

Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống; tiếng ồn và sự dịch chuyển trong quá trình khai thác cát sông của thiết bị công nghiệp nặng có thể xua đuổi các loài động vật hoang dã dọc theo vùng ven sông, ô nhiễm môi trường. 

Một báo cáo khoa học cho biết, tại ĐBSCL tình trạng triều cường và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, tạo nên các rãnh xói mòn ở đáy sông từ 2m đến 3m...

Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ngày càng nghiêm trọng và gia tăng cả về tần suất và quy mô, hậu quả là nhiễm mặn đất, gây khó khăn cho nông nghiệp và nghề cá, đồng thời hạn chế nguồn nước sạch cho sinh hoạt, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đời sống kinh tế xã hội của ĐBSCL.

Tại hội thảo, đại diện Ban quản lý DA nêu rõ công tác quản lý tài nguyên cát ở ĐBSCL còn một số bất cập, cụ thể là: Công tác quản lý chưa hợp lý, tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra ở nhiều nơi, chu trình cấp giấy phép khá phức tạp; Khai thác quá mức và không đúng phương pháp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; Chấp hành các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của các DA khai thác cát còn hạn chế; Áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý khai thác cát còn yếu kém; Bảo vệ môi trường chưa gắn với hoạt động khai thác, chưa đầy đủ; Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát chưa hiệu quả.

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng: DA phải xác định Ngân hàng cát trữ lượng bao nhiêu, từ đâu mà có, số lượng tiêu thụ, còn lại bao nhiêu, từ đó đưa ra khuyến cáo, hàng năm cho phép khai thác bao nhiêu. Kết thúc DA, phải đề xuất Chính phủ bảo tồn, khai thác cát ĐBSCL. Do đó, công tác quản lý khai thác cát cực kỳ khó khăn, vì nhu cầu nhiều mà nguồn cung lại hạn chế, vì vậy có tình trạng "cát tặc". 

Vụ trưởng Vụ vật liệu cũng đưa ra các vật liệu thay thế, đó là: Phế thải từ tro xỉ công nghiệp, phế thải từ công trình xây dựng và cát nhân tạo... để thay thế cát xây dựng tự nhiên. Đây là công việc cần khuyến khích, cần đẩy mạnh và có chính sách phù hợp để phát triển vật liệu thay thế cát xây dựng tự nhiên trong thời gian tới.

Những giải pháp đồng bộ

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Hoạt động khai thác cát đóng góp tích cực phát triển kinh tế- xã hội nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường. Hiện tại hoạt động khai thác cát tại các sông vẫn diễn ra phức tạp, nguồn lực của tỉnh thiếu và không đủ trang thiết bị. Từ đó, các đại biểu đề nghị:

Cần có nghiên cứu nguồn cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên, bên cạnh việc quản lý khai thác cát cần ngăn chặn hành vi lấn chiếm lòng sông, bờ sông, quy hoạch lại bè cá nuôi dọc hai bờ sông, quy định luồng tàu đi lại; Sử dụng công nghệ khai thác cát hợp lý, xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số môi trường, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đối với chất lượng nước.

Xây dựng tính toán kinh phí phục hồi môi trường theo chi phí môi trường xã hội, gắn liền quy định khai thác cát với yêu cầu BVMT; Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn của các tỉnh ĐBSCL về lĩnh vực tài nguyên cát lòng sông và có những quy định chung cho hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản cát lòng sông cho từng tỉnh, cần thiết lập dữ liệu Ngân hàng cát để có thể xác định nhu cầu sử dụng cát.

photo-1657897373959

Dây chuyền sản xuất gạch từ tro xỉ của Công ty vật liệu xanh Duyên Hải-DGM

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đánh giá: Ý kiến của các đại biểu rất tập trung, thiết thực, hiệu quả về hoạt động xây dựng Ngân hàng cát, cùng sự phối hợp của các cơ quan, đảm bảo đúng tiến độ đề ra của DA. Ban quản lý DA khẩn trương rà soát, thay đổi vị trí Trạm quan trắc hợp lý, bổ sung thu thập dữ liệu và xem xét, bổ sung, tính toán việc quản lý, sử dụng nguồn cát ở các hồ, đập, và kế hoạch ổn định hình thái sông ĐBSCL. 

Ông Tiến nhấn mạnh, với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, các cơ quan, viện, trường, nghiên cứu, tư vấn... DA sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL.

Minh Yến
Ý kiến của bạn