Khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đầu tư và Tiếp thị
03:42 PM 22/10/2021

Sáng 22/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19, Quý 4 năm 2021”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, trong thời gian qua, ngành NN&PTNT chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thiên tai, trong đó, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xảy ra với những diễn biến phức tạp đã gây tác động lớn đến ngành NN&PTNT nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản nói riêng. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất đúng thời điểm, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển của ngành ngay sau khi ổn định được đại dịch COVID-19.

Hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết: Công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác đã có nhiều tiến bộ, ngày càng đi vào nề nếp. Theo số liệu báo cáo đến tháng 12/2020, cả nước có 94.572 tàu cá. 

Tính đến ngày 30/9/2021, trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase có 71.913 chiếc (đạt 76,04%) đã đăng ký và 53.042 (đạt 56,09%) tàu được cấp giấy phép khai thác. Hoạt động thực thi pháp luật, phòng chống khai thác bất hợp pháp đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức của ngư dân về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng được nâng cao. Hệ thống thể chế quản lý và chính sách phát triển khai thác thủy sản đến năm 2030 cơ bản được hoàn thiện đầy đủ theo hướng đồng bộ, hội nhập quốc tế.

Các địa phương thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng thủy sản khai thác đạt kết quả; tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cả về sản lượng (8%) và giá trị kim ngạch xuất khẩu (3,6%) so với cùng kỳ năm 2020 trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ước tính, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Hoạt động phòng chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ thẻ vàng được thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, đúng hướng, có chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương. Tổng cục Thuỷ sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/2018/NĐ-CP, Nghị định số 42/2018/NĐ-CP và các Thông tư trình ban hành trong quý IV/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên, thời gian qua lao động khai thác hải sản trực tiếp trên tàu có xu hướng giảm dần. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Cùng với tác động của dịch COVID-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản ở nhiều địa phương. Số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không khai thác chỉ tính cho 03 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác, các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với cùng kỳ.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tàu nằm bờ không đi khai thác còn do một số nguyên nhân khác như: Năng suất khai thác trung bình thấp; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng; việc bốc xếp, thu mua, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội; thiếu lao động do hạn chế đi lại của thuyền viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương. Đến ngày 16/10/2021, vẫn còn 4 cảng cá tiếp tục thực hiện giãn cách/tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19 gồm: Nghệ An (01 cảng), Khánh Hòa (01 cảng), Bình Thuận (01 cảng), Bà Rịa Vũng Tàu (01 cảng).

Khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, tính đến 30/9/2021, toàn tỉnh có 3.425 tàu cá lớn nhỏ, giảm 44 chiếc so với năm 2020. Tổng công suất là 674.326 CV, tăng 103,88% so với năm 2020, công suất bình quân đạt 266 CV/tàu, tăng 105,44% so với năm 2020. Tổng số tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã đăng ký là 2.528 chiếc. Tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 144.437 tấn, tăng 5,95% so với năm 2020 giá trị ước đạt 2.920 tỷ đồng. Các sản phẩm hải sản đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu như cá Hố, Mực, Bạch tuộc, Tôm, Cua, Ghẹ.

Các đại biểu tại tỉnh Nghệ An cũng thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý quản lý nghề cá; triển khai kịp thời các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản và chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19; áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa để các cảng cá và các cơ sở sơ chế, chế biến xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.