Khai thác nguồn nhân lực tại Việt Nam từ nền kinh tế chia sẻ
Nền kinh tế chia sẻ thuộc một xu hướng lớn hơn bắt đầu từ thời Internet: Xu hướng đảo ngược chủ nghĩa tiêu dùng.
1. Nền kinh tế chia sẻ
Trên thực tế, mô hình chia sẻ đã có từ rất lâu: Thư viện, thuê xe, CLB, phòng luyện tập, xe ôm, chia sẻ trong làng xã, thị trấn… Tuy nhiên từ giữa thế kỉ 20, việc chia sẻ trở nên đắt đỏ và rắc rối hơn việc sở hữu, do sự bùng nổ của sản xuất hàng loạt (cách mạng công nghiệp). Từ đó xuất hiện chủ nghĩa tiêu dùng, xây dựng dựa trên ý tưởng rằng, việc tiêu dùng sẽ giúp người dân thấy hạnh phúc, việc tiêu dùng giúp nền kinh tế phát triển mạnh hơn. Giờ thì xu hướng lại đảo ngược trở lại do việc chia sẻ dần trở nên rẻ hơn.
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy), v.v…
Nền kinh tế chia sẻ thuộc một xu hướng lớn hơn bắt đầu từ thời Internet: Xu hướng đảo ngược chủ nghĩa tiêu dùng. Khi Internet được lan rộng, các trang như eBay và Craigslist giúp kết nối những người có và những người cần một cách hiệu quả hơn. Chia sẻ và tái phân phối tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ mới và vứt đồ cũ đi. Mọi người không chỉ là người mua mà còn có thể bán thông qua thương mại ngang hàng.
2. Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh nhưng có nhiều tiềm năng. Hiện nay, đều đã xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới ở trong nước, trong đó nổi lên là các loại hình vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng, đều là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
a, Dịch vụ chia sẻ vận tải
Kinh tế chia sẻ loại hình vận tải hiện nay ở Việt Nam rất đa dạng, nổi bật có Grab, Go-Viet, Bee,... Mang hơi thở thời đại và tận dụng tối đa tính ưu việt của nền tảng công nghệ, Grab được xem là đại diện đáng chú ý của nền kinh tế chia sẻ với tuyên ngôn về cuộc cách mạng kinh tế số, phát huy tối đa tính cộng sinh khi mở ra cơ hội kiếm thêm thu nhập cho hơn 175.000 đối tác tài xế, giúp tăng hiệu quả quản lý dịch vụ giao thông cho hàng trăm hợp tác xã và đối tác vận tải.
Sự thành công của mô hình này trên thế giới đã được minh chứng thông qua những khoản lợi nhuận đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê nhờ khả năng gia tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên có sẵn như nhân sự, thiết bị có sẵn, nhàn rỗi. Mức tăng trưởng đối tác kinh doanh GrabFood đạt 70% chỉ sau vài tháng ra mắt hay mức tăng trưởng 21% số lượng chuyến xe không dùng tiền mặt là một minh chứng cho sự góp phần thúc đẩy nền kinh tế số không dùng tiền mặt.
Mô hình kinh tế chia sẻ được Grab ứng dụng cũng đã giúp kết nối nhiều công ty taxi vừa và nhỏ, hàng trăm Hợp tác xã vận tải thoát khỏi việc phá sản, do kết nối nhanh với khách hàng có nhu cầu, gia tăng hiệu suất lái xe, giảm tỷ lệ xe rỗng hơn 70%, nâng mức thu nhập trung bình tính theo tháng của đối tác toàn thời gian cao hơn 100% so với mức trung bình của quốc gia. Mô hình GrabTaxi, GrabBike, GrabExpress cũng đã có mặt tại 31 tỉnh thành chỉ sau 4 năm có mặt trên thị trường.
Các dịch vụ Grab cung cấp đến khách hàng Việt Nam:
- GrabTaxi: Đặt xe công nghệ thông qua hợp tác với các công ty taxi giúp giải quyết các vấn đề về giá cả và sự an toàn cho người sử dụng dịch vụ.
- GrabBike: Dịch vụ di chuyển tăng trưởng nhanh nhất với nguồn nhân lực đông đảo.
- GrabCar: Kết nối các tài xế có hợp đồng điện tử với khách hàng một cách hiệu quả.
- GrabExpress: Dịch vụ giao nhận hàng hóa, giải quyết thách thức của giao nhận, đặc biệt là trong các thành phố đông dân.
- GrabFood: Dịch vụ giao nhận thức ăn.
- GrabShare: Dịch vụ đi chung xe, có thêm bạn đồng hành (có cùng hướng đi) để tiết kiệm chi phí.
- GrabRent: Dịch vụ thuê xe.
- GrabPay: Thanh toán di động ngay trong ứng dụng giúp việc di chuyển của khách hàng được liền mạch hơn. Cung cấp các tùy chọn thanh toán thông qua quan hệ hợp tác với các dịch vụ tài chính.
Cách sử dụng ứng dụng Grab:
Tham gia mô hình này, chủ sở hữu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện việc đăng ký trên nền tảng, làm bài kiểm tra khả năng lái xe. Khách hàng muốn đặt xe thông qua nền tảng này sẽ click vào ứng dụng Grab, chọn địa chỉ nơi đi, nơi đến và nhấn nút đặt xe, ứng dụng này sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần với khách hàng nhất. Khi đã kết nối, lái xe và người đặt xe liên lạc và thông báo điểm đón thông qua điện thoại di động. Sau sử dụng dịch vụ, người lái xe và người sử dụng dịch vụ cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.
b, Mô hình chia sẻ chỗ ở
Việt Nam đã xuất hiện mô hình kinh tế chia sẻ chỗ ở với sự góp mặt của các công ty như Airbnb, Luxstay, Agoda, Traveloka, Expedia …
Airbnb
Sau khi thành công tại nhiều nước, Airbnb bước chân vào Việt Nam từ giữa năm 2015. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb sẽ xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra vào tháng 7, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TPHCM. Số lượng này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn từ 2-4 sao của TP.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.
Ngoài ra Airbnb còn có mặt trên 31 tỉnh, thành trên cả nước với số lượng phòng cho thuê ngày càng tăng. Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.
Cách thức hoạt động của Airbnb
Với mỗi giao dịch thuê diễn ra thành công, Airbnb lấy 3% hoa hồng từ chủ nhà, và từ 6% đến 12% từ khách thuê nhà tiền phí tổ chức trung gian. Mặc dù mức phí khá cao nhưng dù tính cả phí vào thì người dùng vẫn sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với khi đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống. Ngay khi đơn đặt phòng được xác nhận là thành công thì Airbnb sẽ trừ tiền từ thẻ (tín dụng/ghi nợ) của khách hàng và sẽ thanh toán cho chủ nhà sau khi khách hàng đã nhận phòng.
Chính vì không giới hạn tiêu chí chủ nhà nên người dùng có thể thuê từ một giường đơn trong phòng ngủ tập thể, đến một căn hộ đầy đủ tiện nghi với bể bơi, bếp ăn… hay thậm chí là 1.400 tòa lâu đài cổ kính.
Cách sử dụng ứng dụng Airbnb
Trước khi thực hiện đặt phòng qua Airbnb, cần tạo một tài khoản cá nhân (có thể được liên kết với mạng xã hội). Sau đó, lựa chọn phòng theo những tiêu chí về giá tiền, tiện ích hay vị trí phù hợp với yêu cầu.
Có hai hình thức đặt phòng trên Airbnb:
1. “Request to book” - thường là những cá nhân có phòng cho thuê, mà không phải là những đơn vị kinh doanh phòng/căn hộ chuyên nghiệp. Do vậy, chủ nhà cần biết người thuê phòng là ai, từ đó đi đến quyết định có nên cho thuê nhà hay không. Vì vậy khi đặt “Request to book”, người dùng cần điền đầy đủ thông tin cá nhân để chủ nhà có thể tin tưởng.
2. “Instant book” - cho phép khách hàng đặt phòng và được xác nhận ngay. Airbnb sẽ đáp ứng những nhu cầu về giường/phòng/căn hộ của khách hàng với một mức giá hợp lý hơn nhiều so với những khách sạn truyền thống. Ngoài ra những trải nghiệm sống cùng những người chủ nhà và hòa nhập vào văn hóa nơi người thuê sống sẽ làm cho những chuyến đi trở nên độc đáo hơn.
Ngoài ra, khách hàng buộc phải có thẻ visa hoặc mastercard để thanh toán trên.
3. Một số giải pháp áp dụng nền kinh tế chia sẻ để khai thác nguồn lực ở Việt Nam
Thứ nhất, cần hình thành thể chế vận hành thí điểm, khai thác các tiềm năng và lợi ích của nền kinh tế chia sẻ đối với từng mô hình, nhằm quản lý và hạn chế thấp nhất những khó khăn của nền kinh tế chia sẻ, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thuận tiện, hiệu quả của người dân.
Thứ hai, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, tạo ra nền tảng, nguồn lực cho nền kinh tế nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng, tạo cơ hội cho các nhà kinh doanh nắm bắt và tiến hành phân phối lại nguồn lực chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất, mở rộng và nâng cao chất lượng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khai thác nhu cầu cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng, một trong những kênh kích thích tăng cầu cho nền kinh tế, khai thác tối đa nguồn vốn, nguồn nhân lực nhàn rỗi hiện nay ở nước ta.
Thứ ba, Chính phủ cần thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý hoạt động kinh doanh chia sẻ theo loại hình kinh doanh dịch vụ.
Thứ tư, cơ quan quản lý nhà nước sớm nghiên cứu hình thành các văn bản quản lý, các cơ chế, chính sách và các quy định quản lý đối với mô hình của nền kinh tế chia sẻ.
TS. Hoàng Xuân Lâm
Tài liệu tham khảo
1. Arun Sundararajan (2015), “Nền kinh tế chia sẻ”.
2. Ajay Agrawal, Joshua Gans và Avi Goldfarb (2018), “AI trong cuộc cách mạng 4.0”.
3. Grab, 2017. Đưa Đông Nam Á tiến về phía trước. Grab.
4. Hồng Phúc (2018, “Chưa thể thu thuế kinh doanh trên Airbnb”.
Truy cập tại: https://baodautu.vn/chua-the-thu-thue-kinh-doanh-tren-airbnb-d75464.html.
5. Kiều Linh (2018), Bộ trưởng Giao thông: "Uber, Grab không đáp ứng yêu cầu thì rời Việt Nam".
Truy cập tại: http://vneconomy.vn/bo-truong-giao-thong-uber-grab-khong-dapung-yeu-cau-thi-roi-viet-nam-20180308171119541.htm.
6. Như Bình, 2017. Dịch vụ 'chia sẻ phòng' Airbnb lấy khách của khách sạn. Truy cập tại: https://tuoitre.vn/dich-vu-chia-se-phong-airbnb-lay-khach-cua-khach-san1358899.htm.
7. Nielsen, 2014. Người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng với mô hình kinh doanh chia sẻ. Truy cập tại: http://www.nielsen.com/vn/vi/insights/2014/Kinh-doanh-chia-se.html
8. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), “Chuyên đề số 7: Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước”.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.