Khai thác thế mạnh để phát triển du lịch Thủ đô
Hà Nội là Thủ đô của cả nước có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch bền vững.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 7/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,94 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt khách, khách du lịch quốc tế khoảng 141 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6,15 nghìn tỷ đồng.
Chính sự đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch, như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế.
Vị thế riêng của du lịch Thủ đô
Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Từ khí hậu bốn mùa rõ rệt; nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào quanh năm, cho đến nhiều loại địa hình đa dạng bao gồm các đồng bằng trù phú ở nội đô Hà Nội, các cánh đồng lúa ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... hay những dãy núi đồi uốn lượn ở khu vực Sóc Sơn, Ba Vì.
Thêm vào đó là các hệ thống cảnh quan sinh thái với Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam,... cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức,…; vành đai trồng hoa cây cảnh tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh... có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Song song với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên, Hà Nội còn sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc. Theo công bố của Sở Văn hóa và Thể thao, sau khi thực hiện kiểm kê di tích, đánh giá và phân loại từ năm 2013 - 2016, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa.
Về hệ thống nghề và làng nghề của Hà Nội cũng rất phong phú và đa dạng, Hà Nội hiện có 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã… đã được công nhận.
Tất cả những yếu tố kể trên đã góp phần giúp cho Hà Nội có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh trong những năm gần đây.
Còn nhiều thách thức
Song bên cạnh những thuận lợi, du lịch Hà Nội hiện cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trước hết là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là tại các quận, huyện ven đô. Áp lực phát triển kinh tế quá nhanh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch như: Tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống của sinh vật.
Mặt khác, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất rừng, đất ao hồ, đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai với quy hoạch.
Công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn, hạn chế.
Chẳng hạn như vẫn còn một số các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Năm 2021, Hà Nội đã đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 122 di tích với kinh phí 139,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại các huyện nghèo, kinh tế khó khăn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ…, nhiều di tích xuống cấp vẫn chưa bố trí đủ kinh phí và huy động được vốn đầu tư.
Tính đến nay, toàn thành phố có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm.
Cuối cùng, các doanh nghiệp du lịch hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau và cộng đồng làm du lịch tại địa phương chưa có định hướng lâu dài và các kế hoạch bài bản trong xây dựng các sản phẩm du lịch xanh chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách.
Tập trung phát triển thế mạnh, đẩy mạnh du lịch Thủ đô
Đại diện Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, để tiếp tục thu hút khách du lịch đến Thủ đô, trong tháng 8/2022, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành mở rộng thêm các sản phẩm mới, tập trung vào thế mạnh của ngành du lịch Thủ đô, khắc phục những điểm yếu, khó khăn. Sở Du lịch thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh thông tin quốc tế.
Có thể nhận thấy, ngành du lịch Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản trong giai đoạn phục hồi, mở cửa hậu Covid-19 với các sản phẩm đặc trưng riêng, mang đậm tính văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Vì vậy, mục tiêu của ngành du lịch hiện nay là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội, chia sẻ trên báo Chính phủ, muốn đẩy mạnh du lịch Thủ đô, Hà Nội còn cần thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chất lượng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các điểm đến du lịch gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhận thấy vai trò thế mạnh của các làng nghề truyền thống, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làng nghề, nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới thiết bị công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ngoài ra, cần phải nhắc tới là việc tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Song hành với các kế hoạch chuyên đề phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, những giải pháp kể trên sẽ góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu, sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của du lịch Thủ đô.
An Mai (t/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.