Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để Duy Xuyên phát triển nhanh, bền vững

Địa phương
01:00 PM 01/01/2022

Duy Xuyên là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên 308,75km2, dân số trên 126.000 người. Nơi đây có một hệ thống cảnh quan thiên nhiên sinh động, đa dạng với rất nhiều danh lam thắng cảnh. Duy Xuyên có vùng biển đẹp trải dài hơn 8km, có dòng sông Thu Bồn thơ mộng xuyên suốt những làng quê trù phú. Đó là những điều khiến cho ngành du lịch Duy Xuyên ngày càng trở nên có sức hút hơn.

Nhận thức rõ về tiềm năng, lợi thế của du lịch trên địa bàn huyện, nhiều năm qua, Đảng bộ huyện Duy Xuyên luôn ban hành Nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm để phát triển du lịch huyện tương xứng với tiềm năng. Duy Xuyên đã tranh thủ nguồn lực của du lịch Hội An, Đà Nẵng, Huế,… để nỗ lực thúc đẩy phát triển mạnh ngành kinh tế trọng điểm này.

Để hiểu rõ hơn về tiềm năng và lợi thế của huyện Duy Xuyên trong phát triển du lịch và những nỗ lực của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả cuộc trò chuyện này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, huyện Duy Xuyên đã dành nhiều cơ hội, tập trung nhiều nguồn lực để phát triển du lịch. Qua đó, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ông có thể đưa ra những đánh giá về một số kết quả nổi bật mà huyện nhà đã đạt được trong lĩnh vực Du lịch?

Ông Nguyễn Công Dũng: Những năm qua, ngành Du lịch huyện Duy Xuyên đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao...

Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để Duy Xuyên phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên

Duy Xuyên đã phát huy thành công lợi thế của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, lấy Mỹ Sơn làm trung tâm, điểm nhấn trong lộ trình xây dựng Duy Xuyên trở thành huyện trọng điểm về du lịch tại Quảng Nam bên cạnh Hội An. Ngoài ra, Duy Xuyên cũng tập trung khai thác thế mạnh du lịch của Khu đền tháp Mỹ Sơn, lăng mộ Bà Thu Bồn, lăng mộ Đoàn Quý Phi, tượng đài Vĩnh Trinh…

Nhìn chung, sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần giúp Duy Xuyên thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Duy Xuyên đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Trong thời gian tới, Duy Xuyên sẽ tập trung phát triển Đề án "Phát triển du lịch huyện Duy Xuyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, coi đây là đòn bẩy trong phát triển kinh tế của huyện.

PV: Như vậy là huyện đã và đang xác lập hướng đi phù hợp, đón đầu các cơ hội phát triển du lịch theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai không xa. Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác tại Duy Xuyên như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Dũng: Du lịch phát triển đã tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để Duy Xuyên phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 2.

Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để Duy Xuyên phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 3.

Chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên quyết tâm đột phá để đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Trước ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới và trong nước do tác động nặng nề của COVID-19, cùng với tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nên tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2021 chỉ đạt 4,26% (so với Nghị quyết là 13,5%).

Trong đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có giá trị sản xuất toàn ngành đạt 4,630 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 6,5% so với cùng kỳ (Nghị quyết 14%). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.578 tỷ, tốc độ tăng trưởng đạt 2,33% (Nghị quyết 2,5%). Giá trị toàn ngành thương mại - dịch vụ đạt 5.630 tỷ đồng, đạt 98,6% so với năm 2020 (Nghị quyết 15%). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước thực hiện là 1.481.209 triệu đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2021 là 1.231.649 triệu đồng.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong năm 2021, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, có 31.730 hộ gia đình trong huyện Duy Xuyên được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,16%. Ngoài ra, huyện công nhận 68/78 thôn, khối phố văn hóa (đạt 87,18%), trong đó có 17 thôn, khối phố đạt 3 năm liên tục.

Huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện chương trình dạy và học theo kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chất lượng giáo dục toàn diện được phát huy; tổ chức tốt các hội thi cấp huyện và tham gia các hội thi do tỉnh tổ chức đạt thành tích cao. Tiếp tục đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu. Toàn huyện có 36/48 trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75% theo quy định mới.

PV: Trong năm qua, huyện Duy Xuyên đã khởi công nhiều dự án, điều này cho thấy hoạt động thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, ông có chia sẻ thêm gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Công Dũng: Trong kế hoạch đầu tư công năm 2021, huyện Duy Xuyên triển khai xây dựng 17 công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện với tổng mức đầu tư khoảng 116 tỷ đồng. Đến nay, đã triển khai thi công 14/17 công trình; còn lại 03 công trình đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện.

Trong năm, Duy Xuyên có 22 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.300 tỷ đồng. Huyện tiếp tục lập thủ tục trình phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các khu dân cư cho các dự án như: Khu dân cư Nam Nam Phước, Tây Khương, Nam Cửa Đại, Duy Nghĩa, Duy Phước,... Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ thành lập khu công nghiệp, phê duyệt chi tiết và phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Duy Nghĩa 1; tiếp tục kêu gọi xúc tiến nhà đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Gò Biên (Duy Hòa),...

Huyện Duy Xuyên thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong công tác xúc tiến đầu tư, huyện đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng, đưa các thông tin quảng bá về tiềm năng thế mạnh của Duy Xuyên lên các phương tiện, kênh thông tin có uy tín.

Trong thời gian tới, Duy Xuyên sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng bá, kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực huyện có lợi thế cạnh tranh cao. Đồng thời, thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP

Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, TP của cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu với số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.