Khai thác tối đa thị trường nội địa để kích cầu tiêu dùng
Sau dịch Covid-19, thị trường trong nước đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng thị trường này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có từ thị trường này, từ đó xây dựng mạng lưới phân phối, tiêu thụ bền vững.
Hà Nội tăng cường kết nối, tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 (tháng thứ 2), nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, đạt 431.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh thu bán lẻ tăng mạnh thời gian qua, theo các chuyên gia kinh tế, một phần là bởi nguồn cung hàng hóa dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến...Các chuyên gia cũng cho rằng, để lấy thị trường nội địa làm “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… qua đó thu hút người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết: Thời gian qua, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị Big C của Tập đoàn Central Retail. Nhờ đó, hệ thống siêu thị Big C kết nối được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã kết nối với Big C đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.
Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Phương, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết: Thời gian qua Hapro đã tổ chức nhiều chương trình liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Nhằm kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi bỏ giãn cách xã hội, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các tuần hàng nông sản của các địa phương, qua đó đã kết nối được các nhà sản xuất, phân phối lại với nhau, đặc biệt là giới thiệu bán sản phẩm của các địa phương tới người dân Hà Nội. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn sau dịch Covid-19, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế", nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Cùng với sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước, bộ ngành và các địa phương, theo các chuyên gia kinh tế thì doanh nghiệp bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh; từ đó tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Đỗ ĐạtNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.