Khai thông trở ngại, vướng mắc, bứt phá thanh toán điện tử

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:15 PM 22/05/2020

Đại dịch COVID-19 lại là chất xúc tác để chúng ta có thể đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Điều này đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử để tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc đã phát biểu như vậy tại cuộc toạ đàm trực tuyến: “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng COVID – 19” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 21/5/2020.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ở Việt Nam, hiện có 70 tổ chức tín dụng đang triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng qua kênh Internet và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng , Vụ trưởng Vụ thanh toán  Ngân hàng nhà nước (NHNN), tốc độ tăng trưởng về mobile banking tại Việt Nam hiện nay là 200%. Hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán qua ngân hàng mỗi ngày. Kết quả nói trên có được do lợi thế tiện dụng do công nghệ số mang lại. Trong khi ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng nước ta vẫn còn không ít trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng hơn tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Cụ thể đó là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo... 

Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ...

Tại buổi toạ đàm, không chỉ các ngân hàng như Ngân hàng số BIDV, LienVietPosst Bank... mà ngay cả ông Phạm Tiến Dũng cũng có những đề xuất rất quan trọng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Đó là việc cần xây dựng một nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); Thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)... 

Theo vị đại diện NHNN, thứ nhất, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... “Chừng nào chưa xác định được chủ thể của giao dịch đó thì chúng ta không thể phát triển được thanh toán điện tử”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Thứ hai, cần xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. 

Từ một góc nhìn của một chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng: “Theo tôi, đúng là chúng ta chậm, nhưng chậm mà chắc, đừng nôn nóng. Hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chúng ta chưa kiểm soát được, do đó, đừng vội vã”. 

Ông cho rằng ở nước ta, 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử. 

“Đối với ví điện tử, không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày”, ông Hiếu cho biết và cảnh báo đây cũng có thể là rủi ro cho người dùng. 

“Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử” - TS. Hiếu nhấn mạnh. Rủi ro này phần lớn là do nhà viễn thông chứ không phải do ngân hàng, do đó hiện tượng rửa tiền có thể xảy ra. Cùng với đó, chức năng tạo tiền sẽ được các nhà mạng được phép thực hiện, đây là rủi ro với hệ thống tiền tệ.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Đình Ngọc, Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho rằng: Về pháp lý có nhiều vướng mắc và nếu không được khắc phục thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau so với thế giới. Bộ tài chính đã đặt ra những giới hạn mà theo đó, khi tiền của khách hàng đưa vào công ty viễn thông thì bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng và bắt buộc không cho công ty truyền thông sử dụng tiền đó để đầu tư, mà chỉ để thanh toán cho khách hàng…

Trần Ngọc Kha

Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.