Khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Sáng 19/7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu, nhưng mới thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây đặc biệt trong năm 2021 và quý I năm 2022, chúng ta chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động.
Ngày 31/12/2021, dư nợ trái phiếu đã vượt 1 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ TPDN chiếm khoảng 70%, dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ chiếm khoảng 67% cho thấy đây là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, dư nợ toàn thị trường TPDN bao gồm cả TPDN riêng lẻ chỉ khoảng 13% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Chất lượng của thị trường cũng cần được cải thiện.
Đặc biệt là cơ cấu thị trường chưa bền vững, số đông các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn thuộc về những ngành có nhiều rủi ro. Cá biệt có một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật: vi phạm về việc công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích.... Hơn nữa, các TPDN hiện nay chủ yếu huy động trong thời gian trung hạn nên khối lượng trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới là rất lớn. Với việc nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá nhiều, sẽ là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong việc thanh toán trái phiếu cũ và huy động trái phiếu mới.
Thực tế đã cho thấy thị trường TPDN đã sụt giảm mạnh về dư nợ và khối lượng phát hành mới (giảm từ gần 750 nghìn tỷ cuối năm 2021 xuống chỉ còn trên 250 nghìn tỷ đầu năm 2023). Vì vậy, cần nhìn nhận chính xác, đúng mức để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các giải pháp nhằm ổn định thị trường TPDN, hướng đến một thị trường phát triển bền vững, Bộ Tài chính đã giao cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDNRL.
Để chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào hoạt động, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 302/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 về việc hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDNTL tại thị trường trong nước.
HNX và VSD đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán vận hành thông suốt và ổn định. Việc tuyên truyền, đào tạo công chúng đầu tư cũng đã được các đơn vị phối hợp tổ chức liên tục với nhiều hình thức khác nhau nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho các nhà đầu tư trước khi tham gia giao dịch.
Hệ thống giao dịch thứ cấp TPDNRL đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường; giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư chuyên nghiệp có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp. Từ đó, đưa ra các chính sách về quản lý và phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp.
Phát biểu tại lễ khai trương hệ thống giao dịch TPDNRL, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, việc đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển thị trường tài chính nhằm tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tạo sự công khai, minh bạch cho thị trường.
Việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện. Với quan điểm cơ quan quản lý tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia thị trường TPDN. Nhà nước chỉ tham gia với vai trò tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tổ chức thị trường để hỗ trợ các bên thực hiện đúng các cam kết của mình.
"Với quan điểm tinh thần nêu trên, tôi đề nghị các đơn vị của Bộ đặc biệt là UBCKNN và các đơn vị có liên quan cần tập trung vào những mục tiêu sau: Phát triển thị trường TPDN từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và quốc tế.
Nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, thúc đẩy tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trên thị trường tổ chức hoạt động và cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai trương.
Mai PhươngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.