Khám phá "đỉnh cao nghệ thuật" đan mây tre tại làng nghề cổ Phú Vinh
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng. Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có lịch sử gần 400 năm. Làng nằm dọc theo trục Quốc lộ 6A nối liền Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, cách trung tâm Hà Nội 27km theo hướng Tây Nam.
Đường đi đến đây rất đơn giản, từ trung tâm Hà Nội đi đến Hà Đông rồi tiếp đến ngã ba Ba La Bông Đỏ đi thẳng chừng 20km là đến làng mây tre đan Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Du khách có dịp đến thăm làng nghề Phú Vinh sẽ không khỏi bồi hồi cộng chút háo hức khi được chứng kiến một làng nghề cổ tấp nập, với đa dạng sản phẩm đan lát thủ công thật sáng tạo và bắt mắt. Bởi vậy, làng nghề Phú Vinh luôn chiếm được rất nhiều thiện cảm của du khách trong nước lẫn nước ngoài.
Theo dòng lịch sử, nghề mây tre đan truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Làng Phú Vinh được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (Trời phú cho dân có bàn tay lụa), vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Và cứ thế, theo nghề “cha truyền con nối”, những đứa trẻ làng Phú Vinh lớn lên đã gắn bó với cây mây, cây tre, nắm lòng bàn tay các thuộc tính của từng cây tre, từng sợi mây. Dần dần, mây tre đan đã phát triển trở thành nghề truyền thống của làng Phú Vinh.
Phú Vinh cũng là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây vô cùng tinh tế… là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam. Có những mặt hàng tưởng như được "thêu" bằng nan đầy tài tình, đẹp mắt.
Những người nghệ nhân có những kỹ năng, kỹ thuật đường đan tỉ mỉ, cầu kì, sản phẩm họ làm thường có hoa văn đan tết tinh xảo, độc đáo, mà người ta chỉ tìm thấy ở làng nghề Phú Vinh.
Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú... Có loại cần sự khéo tay và cũng rất công phu như lẵng hoa quả, khay đĩa, làn, cặp, mũ, chao đèn... với nhiều kiểu dáng phong phú. Các mặt hàng mây tre đan của Phú Vinh đang cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.
Mỗi gia đình ở đây đều có bí quyết riêng trong chế biến và sản xuất mây tre đan. Khâu nguyên liệu được chọn kỹ càng, nhưng chế biến mới đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ của người thợ làm nghề. Đến nơi đây, khách du lịch có thể quan sát được quy trình chế biến mây. Và đặc biệt là được xem bước tạo màu của các nghệ nhân. Một trong những bí quyết mà mỗi gia đình làm nghề có riêng là công thức tạo màu. Bí quyết tạo màu riêng sẽ giúp cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc.
Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở Phú Vinh như những “bảo tàng sống” của làng nghề, là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu. Đến thăm Phú Vinh, bạn có thể tìm gặp và trò chuyện cùng các nghệ nhân này, để nghe họ say sưa kể về lịch sử làng nghề, về quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là xem họ trình diễn nghề thật điêu luyện và tài khéo. Với lòng yêu nghề sâu sắc, chắc chắn những nghệ nhân này sẽ là những "hướng dẫn viên" tài tình và tận tâm nhất, đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề đặc sắc.
Về với làng nghề cổ Phú Vinh, du khách không chỉ thăm một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng mà còn là dịp vãn cảnh một làng quê của nông thôn Việt Nam ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, được hòa mình vào không gian thanh bình của làng nghề đan lát, ngắm nhìn với những lũy tre, rặng mây, với những nếp nhà san sát nơi những chàng trai, cô gái, cụ ông, cụ bà và cả các em nhỏ quây quần ngồi đan đủ loại sản phẩm khác nhau, từ các loại giỏ hoa, túi xách, rổ đựng…
Nếu có dịp đến thăm Hà Nội, bạn hãy lên những tour du lịch Hà Nội với lộ trình ngắn thăm các làng nghề nổi tiếng của Hà thành, đừng quên đưa làng nghề mây tre đan Phú Vinh vào lịch trình của mình nhé.
Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.