Khám phá nét đẹp truyền thống làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng

Địa phương
09:04 AM 15/07/2023

Khác với số đông những làng nghề làm gỗ nội thất, làng nghề Thiết Úng - được coi là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây vẫn miệt mài giữ gìn nghề truyền thống cũng như tìm hướng phát triển du lịch trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Tinh hoa nghề chạm khắc gỗ làng Thiết Úng

Làng Thiết Úng tên Nôm là làng Ống, xa xưa là Xa Lập phường; trước Cách mạng tháng Tám là một xã thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nay là một thôn của xã Vân Hà, 1 trong 23 xã của huyện Đông Anh. Xã gồm có 6 thôn là Cổ Châu, Hà Châu, Hà Khê, Thiết Bình, Vân Điềm và Thiết Úng. Hiện làng có diện tích 89,965ha, dân số có 474 hộ với 2.210 nhân khẩu, 1.149 lao động trong độ tuổi.

Chẳng biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên gọi thôn Thiết Úng, thì ở đây đã có nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng. Thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau, những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng luôn đau đáu với tình yêu nghề da diết, mong muốn giữ gìn những nét tinh hoa nghề truyền thống của cha ông để lại. 

Khám phá nét đẹp truyền thống làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Theo các bậc tiền bối về nghề kể lại, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân của thôn đã từng được triệu vào cung để tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua, chúa. Nhờ sự tài tình, khéo léo của đôi bàn tay, nhiều nghệ nhân của làng nghề Thiết Úng đã được triều đình ban sắc phong. Từ đó, làng Thiết Úng nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống. 

Năm 1986, đường lối đổi mới như cơn gió lành thổi vào làng nghề Thiết Úng. Một số thợ giỏi có tâm huyết trong làng đứng ra tập hợp thợ, thành lập HTX Chí Sảo do ông Đào Đình Luân làm chủ nhiệm, nhằm chấn hưng nghề truyền thống của địa phương. Ngoài việc chạm khắc các đồ mỹ nghệ, HTX còn sản xuất các loại bàn, ghế, tủ, đồ thờ cúng, trang trí nội thất phục vụ thị trường. Kinh tế thị trường cùng việc tôn trọng tính tự chủ của gia đình trong phát triển kinh tế làm cho nghề ngày một phát triển.

Khám phá nét đẹp truyền thống làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng - Ảnh 2.

Một tác phẩm trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Nhịp sống Hà Nội

Để tạo vị thế cho làng nghề cũng như tìm hướng phát triển làng nghề trong thời đại mới, ngày 26/2/2010, làng Thiết Úng đã được UBND thành phố Hà Nội trao Bằng công nhận “Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống”.

Trước đây, các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề Thiết Úng được bày bán nhiều ở các phố Hàng Trống; Hàng Khay; Hàng Quạt như: Khay; chén; tráp; hộp trầu; hộp đựng trang sức; sập gụ; tủ chè; án thư; tràng kỷ…

Đứng trước sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, để đáp ứng với những khách hàng khó tính, Thiết Úng đã cố gắng đa dạng hoá các sản phẩm của làng nghề. Những nghệ nhân, những người thợ giỏi đã biết phát huy và chắt lọc tinh hoa của nghề truyền thống với hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Nhờ có sự mạnh dạn thay đổi này, những năm gần đây doanh thu đồ gỗ mỹ nghệ chiếm 60% doanh thu của toàn xã Vân Hà, ngày công lao động đã nâng lên, bộ mặt nông thôn được đổi mới. Nghề đồ gỗ mỹ nghệ không còn là nghề phụ lúc nông nhàn, mà trở thành hướng đi chính của toàn xã. Trên địa bàn xã Vân Hà hiện có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Qua việc tham gia chương trình, các cơ sở sản xuất được chứng nhận OCOP dần chứng minh sản phẩm có khả năng tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch theo mô hình làng nghề ven đô

Đến nay, các sản phẩm của làng nghề Thiết Úng đã được quảng bá và xuất sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ngày một nhiều hơn. Do lượng hàng xuất khẩu nhiều nên một số hộ gia đình, công ty từng bước ứng dụng công nghệ cao, vận hành các loại máy đục, máy hạ nền thông qua máy tính để tăng tính chính xác cho sản phẩm. Dưới sức ép của cạnh tranh thị trường nhưng làng mộc Thiết Úng vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống của làng nghề Việt.

Khám phá nét đẹp truyền thống làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng - Ảnh 3.

Nghệ nhân Đỗ Văn Cường, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngoài việc người dân đang giữ nghề và sống được bằng nghề truyền thống, Thiết Úng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Người thợ Thiết Úng có thể tạo ra bất kỳ sản phẩm nào theo mẫu phác họa hoặc qua sự miêu tả đặc điểm của khách hàng. Nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm như bút, móc khóa, lịch để bàn... được các nghệ nhân làng Thiết Úng sáng tạo để phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt, sản phẩm quà tặng bằng gỗ được khắc chữ, tên, logo hay hình ảnh bằng máy khắc hiện đại đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bên cạnh đó, làng nghề gỗ mỹ nghệ vẫn còn gìn giữ được hệ thống di tích lịch sử văn hoá phong phú, như cụm di tích đình Thiết Úng, chùa làng Viên Thông và những kiến trúc cổ trong làng. Với mong muốn quảng bá cho du lịch làng nghề, thời gian qua huyện Đông Anh đã triển khai rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng để Thiết Úng phát triển du lịch theo mô hình làng nghề ven đô, qua đó tạo sức hút để du khách đến với làng ngày một nhiều hơn.

Khám phá nét đẹp truyền thống làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng - Ảnh 4.

Các cấp chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời để phát triển làng nghề, góp phần gìn giữ giúp làng nghề không bị mai một. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, nghệ nhân Đỗ Văn Cường, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà cho biết, trăn trở lớn nhất của làng nghề hiện nay là đào tạo lớp kế cận để truyền nghề và cần những điểm tập trung trưng bày sản phẩm kết nối giao thương, nguồn nguyên liệu sản phẩm, mở các lớp tập huấn để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Từ đó giúp mở mang tư duy về sản phẩm làng nghề, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi các lớp đào tạo nâng cao tay nghề.

Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo cho làng nghề ngay cả khi vẫn đang hoạt động. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đang làm nghề cũng rất cần chính quyền tạo mọi thuận lợi cho các cá nhân làng nghề về thủ tục hành chính, cũng như có sự hỗ trợ, chế độ chính sách động viên cho các nghệ nhân thợ giỏi, vì đây là một nguồn tác động cực kỳ lớn đối với việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn, giúp cho làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, tăng thu nhập cho người lao động, làng nghề cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ chỗ thu hút khách thăm quan, du lịch thông qua việc duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Huyền My
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.