Khám phá tinh hoa dân tộc tại Làng quạt Chàng Sơn

Địa phương
12:41 PM 27/08/2022

Trong hành trình du lịch thăm các làng nghề tại Hà Nội, khi đến Làng quạt Chàng Sơn, bạn sẽ được khám phá được những nét đẹp rất riêng, để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về những tinh hoa nghệ thuật mà cha ông ta để lại cho con cháu đời sau.

Làng Chàng Sơn vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dân Chàng Sơn cũng nổi tiếng là "dân bách nghệ", trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến nghề làm quạt giấy tại nơi đây.

Cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía Tây bắc, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, Chàng Sơn chầm chậm hiện lên trước mắt du khách sinh động với cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói, cổng làng cùng vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng.

Khám phá tinh hoa dân tộc tại Làng quạt Chàng Sơn - Ảnh 1.

Đến Làng quạt Chàng Sơn, du khách sẽ thấy vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng. Ảnh: TH&PL

Nghề làm quạt ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã có từ hàng trăm năm nay. Ngay từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và đã từng được người Pháp đem sang Thủ đô Paris triển lãm.

Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Nếu trước kia, Làng quạt Chàng Sơn chỉ sản xuất những chiếc quạt giấy, quạt nan, thì nay người Chàng Sơn đã sản xuất đủ các loại quạt như: quạt the, quạt lụa, quạt tranh trang trí treo tường, quạt dùng làm thiệp mời cưới cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm.

Khám phá tinh hoa dân tộc tại Làng quạt Chàng Sơn - Ảnh 2.

Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Ảnh: TH&PL

Quạt Chàng Sơn dù là loại nào cũng toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những họa tiết, hình ảnh trang trí trên chiếc quạt. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bởi mỗi hình vẽ trên quạt khắc họa những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và cả những tích truyện cổ, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc.

Bởi vậy, những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. 

Du khách trong và ngoài nước rất yêu thích quạt Chàng Sơn, họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm quạt nghệ thuật độc đáo. 

Đến Chàng Sơn, du khách sẽ được nghe kể về nghệ nhân Dương Văn Mơ - người có công khôi phục nghề quạt truyền thống của làng, được tận mắt chứng kiến quy trình làm quạt từ chọn tre, pha nan, vót nhẵn, xử lý hóa chất, gập giấy, gián giấy hoặc vải, lụa rồi đem hong khô… 

Khám phá tinh hoa dân tộc tại Làng quạt Chàng Sơn - Ảnh 3.

Tháp Rùa được vẽ lên quạt để quảng bá du lịch Hà Nội. Ảnh: TC Xây dựng Việt Nam

Không chỉ vậy, điều thú vị nhất khi về với làng nghề làm quạt truyền thống Chàng Sơn là du khách sẽ được cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh xắn.

Cách đến Làng quạt Chàng Sơn hết sức đơn giản, nếu đi xe máy bạn đi thẳng Đại lộ Thăng Long, rẽ vào đường đi chùa Tây Phương, khi đến ngã tư chùa Tây Phương thì rẽ vào đường dối diện lối vào chùa. Nếu đi xe bus, bạn bắt tuyến bus số 89 từ bến xe Yên Nghĩa, ngay gần ngã tư có một điểm xuống.

Vì làng khá rộng và hầu hết những nhà làm quạt là tư nhân nên tương đối khó nhận biết. Chàng Sơn hiện có 2 khu làm quạt khác nhau: quạt đan và quạt giấy nên du khách cần hỏi người dân để đến đúng trung tâm làng quạt.

Khám phá tinh hoa dân tộc tại Làng quạt Chàng Sơn - Ảnh 4.

Quạt giấy có rất nhiều phiên bản và kích cỡ khác nhau. Ảnh: TC Xây dựng Việt Nam

Thời gian qua, huyện đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường tới các làng nghề, các tuyến liên xã, liên huyện... nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch huyện Thạch Thất, nhất là các làng nghề truyền thống nơi đây. Những năm qua, nhiều làng nghề được đầu tư mở rộng, tạo đà cho loại hình du lịch làng nghề phát triển; đồng thời duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống để người dân cùng tham gia làm du lịch theo phương châm "mỗi người dân là một hướng dẫn viên giỏi".

Bên cạnh đó, Thạch Thất cũng định hướng phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo hướng bền vững. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tại các sự kiện; biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các làng nghề và sản phẩm đặc trưng; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm hình thành các tour tuyến, thu hút du khách đến với các làng nghề...

Hy vọng, làng quạt Chàng Sơn sẽ ngày một phát triển hơn nữa với hướng đi mới trong thời kì hội nhập.

Minh An
Từ khóa: Du lịch
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.