Khẩn trương thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây

Địa phương
09:23 AM 13/07/2021

Khẩn trương tháo gỡ các vấn đề phát sinh, các chủ đầu tư cũng đang tích cực đôn đốc nhà thầu tập trung thi công Dự án Đường cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tiến độ đề ra. Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, các gói thầu được triển khai khẩn trương, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.

Khẩn trương thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây - Ảnh 1.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Dự án gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km. Điểm đầu kết nối điểm cuối Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km235+000, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125 thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Gói thầu số 2, Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dù khởi công sau nhưng tiến độ hiện nay đã vượt kế hoạch đề ra. Gói thầu này với chiều dài hơn 31,2 km qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Các đơn vị liên danh nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ, huy động nhân lực, máy móc thiết bị thực hiện công việc san gạt mặt bằng, đào bốc hữu cơ, thi công đào, đắp nền đường, móng cọc… Sau hơn 4 tháng phát động khởi công đã hoàn thành khối lượng lớn. Nhà thầu tổ chức 11 mũi thi công, trong đó 5 mũi thi công cầu, 6 mũi thi công đường với hơn 500 cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường. Cùng với đó, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện luôn được chú trọng, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Chỉ huy trưởng Gói thầu số 2, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đơn vị đã tập trung nhân sự, thiết bị để triển khai thi công ba ca liên tục, đến thời điểm này cơ bản thi công được gần 9 km.

Ông Bùi Minh Dũng - Cán bộ Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, luôn bám sát công trường và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của dự án cũng như đảm bảo các mặt về vệ sinh môi trường, an toàn lao động trên toàn tuyến.

Các đơn vị đang tập trung tổng lực thi công các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ dự án trong vòng 24 tháng theo quy định. Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các điều kiện hợp đồng đã ký kết. Địa phương cũng tích cực phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan, rà soát bố trí vị trí đổ thải theo đúng quy định và tạo mọi điều kiện tốt nhất.

Theo ông Trác Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án, đối với những khó khăn vướng mắc được chủ đầu tư báo lên, huyện đều tập trung chỉ đạo xử lý, tháo gỡ ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.

Toàn tuyến Dự án Đường cao tốc đoạn qua địa bàn Bình Thuận đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Đến nay, diện tích đất sạch đã bồi thường đạt 98,7%. Toàn tỉnh hiện còn 24 hộ chưa nhận tiền bồi thường, trong đó có 17 hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện và 7 hộ có kiến nghị khác đang được các sở, ngành xem xét, giải quyết. Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc giải quyết dứt điểm, hoàn thành nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.

Khẩn trương thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thi công, cũng như tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải và các đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhằm giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật, dân sinh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Về phía chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng thể hiện sự quyết tâm trách nhiệm trong khắc phục khó khăn, tập trung thi công dự án đường cao tốc góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo công trình trọng điểm hoàn thành theo đúng thời gian quy định.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ yêu cầu của Dự án, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại, gồm: Di dời viễn thông (các huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân), nước (huyện Hàm Thuận Bắc) và điện trung hạ thế (các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam) và điện cao thế 110kV (huyện Hàm Thuận Bắc) phấn đấu cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 đảm bảo phục vụ thi công dự án trước ngày 15/6/2021…

Riêng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác liên ngành khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép khai thác đối với các mỏ theo quy định pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh để thống nhất số liệu trữ lượng, chất lượng của từng mỏ vật liệu đất đắp chính xác theo thực tế, làm cơ sở để UBND tỉnh xem xét giải quyết, đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp cho dự án. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Nhà thầu thi công ký hợp đồng với các Chủ mỏ đất đắp đã có Giấy phép khai thác để triển khai cung cấp cho dự án đảm bảo tiến độ. Trường hợp chưa ký được hợp đồng hoặc đã ký nhưng chưa khai thác được phải có báo cáo cho UBND tỉnh nguyên nhân cụ thể (mỏ nào không đảm bảo chất lượng, mỏ nào nâng giá, chèn ép giá và các lý do khác).

Đức Duy
Ý kiến của bạn