Khẩn trương thu thập dữ liệu dân cư
Triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an thành phố Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở khẩn trương rà soát nhân khẩu, hộ khẩu để thu thập thông tin, nhập dữ liệu dân cư toàn thành phố, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Qua đó chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân hiệu quả, thuận lợi hơn.
Công an huyện Quốc Oai gắn việc cấp thẻ căn cước công dân với hướng dẫn người dân kê khai dữ liệu dân cư. Ảnh: Thái Hiền
Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà
Thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh cho công dân trước ngày 1-12-2020; hoàn thành dự án trước ngày 30-4-2021. Trong đó, yêu cầu đặt ra cho lực lượng công an cả nước nói chung và Công an thành phố Hà Nội nói riêng là khẩn trương hoàn thiện thu thập dữ liệu dân cư trong năm 2020.
Vào giai đoạn "nước rút" của việc thu thập dữ liệu dân cư nên gần một tháng nay, anh Nguyễn Khắc Công, Công an viên xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) hầu như vắng nhà vào buổi tối. Do người dân địa phương thường đi làm việc tại địa bàn khác, chỉ ở nhà vào buổi tối nên thời điểm đó, công an viên mới có thể tiếp cận thu thập dữ liệu dân cư…
Trong khi đó, theo Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng Công an xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), do địa bàn rộng nên Công an xã sử dụng loa truyền thanh kết hợp chủ động gửi giấy mời đến từng hộ dân để thu thập thông tin. Còn tại xã An Khánh - địa phương đông dân cư nhất của huyện Hoài Đức với 12.468 hộ, 43.996 nhân khẩu, công an xã cũng phải “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để làm nhiệm vụ... Anh Chu Tuấn Dũng (xã An Khánh) đánh giá, lực lượng Công an xã rất tận tình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục khai báo.
Không chỉ ở ngoại thành, việc thu thập dữ liệu dân cư ở khu vực nội thành cũng được rốt ráo thực hiện. Theo Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), 14 cảnh sát khu vực của phường luôn bám địa bàn để hướng dẫn người dân khai phiếu và hiện công việc cơ bản đã hoàn thành.
Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, do lượng dân cư nhiều biến động nên Công an quận đang chỉ đạo các phường rà soát lại được gần 80% dữ liệu đã điều tra từ năm 2018, phấn đấu đến cuối tháng 7-2020 sẽ hoàn thành trên toàn địa bàn.
Công an xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) hướng dẫn người dân khai báo dữ liệu dân cư tại Nhà văn hóa thôn. Ảnh: Chu Dũng
Lợi ích nhiều mặt
Để hoàn thành thu thập dữ liệu dân cư toàn thành phố trong thời gian sớm nhất, Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, bên cạnh lực lượng công an cấp xã, Công an thành phố đã chỉ đạo công an cấp huyện tăng cường lực lượng cho những địa bàn có mật độ dân cư cao, phức tạp về dân số nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc. Hiện toàn thành phố đã hoàn thành khoảng 75%-80% việc thu thập dữ liệu dân cư. “Đây cũng có thể coi là đợt tổng rà soát nhằm phát hiện đối tượng thuộc diện quản lý về an ninh, trật tự để có biện pháp phòng ngừa khi cần”, Đại tá Ngô Duy Thắng nói.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) Phạm Trọng Hảo cho biết, ngoài lực lượng công an là chủ công, UBND phường đã huy động thêm đội ngũ cán bộ Mặt trận, dân quân tự vệ, cán bộ tổ dân phố... cùng tham gia.
Đánh giá công tác này tại Hà Nội, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng, thành phố đã chủ động triển khai khoa học, sâu rộng, huy động nhiều lực lượng tham gia thu thập dữ liệu dân cư, qua đó bảo đảm dữ liệu được thu thập chính xác, đồng bộ. Kết quả trên tạo tiền đề cho giai đoạn “nước rút” triển khai và cơ bản hoàn thành dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong năm 2020, tiến tới quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay vì sổ hộ khẩu như dự kiến.
Cùng với việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nhiều người dân còn băn khoăn liên quan đến việc đổi căn cước công dân từ nay đến ngày 1-7-2021 (dự kiến là ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành). Về vấn đề này, Thượng tá Tô Anh Dũng phân tích, Điều 21 Luật Căn cước công dân về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân quy định: Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi phải đổi thẻ thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Để tạo thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch, Bộ Công an đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, tổ chức để thông báo về việc chuyển đổi thẻ căn cước công dân; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cho những trường hợp đổi sang thẻ căn cước công dân.
Với sự vào cuộc tích cực của Công an thành phố Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã và cơ sở, việc thu thập cơ sở dữ liệu dân cư sẽ sớm hoàn thành, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và quản lý dân cư tốt hơn trong thời gian tới.
MAI HỮU - TRIỆU DƯƠNGVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.