Khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch xứ Thanh

Địa phương
04:43 PM 24/04/2025

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển ngành "công nghiệp không khói". Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch Thanh Hóa đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hội tụ lợi thế và tiềm năng

Khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 1.

Thành phố du lịch biển Sầm Sơn - Nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Nằm ở cực Bắc miền Trung của Tổ quốc, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng góp vai trò kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt Bắc Nam, cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng hàng không kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay Thanh Hóa đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh khai thác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, thế mạnh, từng bước tạo dựng dấu ấn riêng ở mỗi sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Trong đó nỗi bật là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô từ các dự án đầu tư hạ tầng tại khu du lịch Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tỉnh Gia), cùng với việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn tại các khu du lịch biển. 

Cùng với đó, Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch như các lễ hội du lịch biển, Carnival đường phố, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội tình yêu… và bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: khai trương tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, dù bay, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn… đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hoá. Nhớ lại năm 2017, Sầm Sơn được vinh danh là một trong 5 khu du lịch hàng đầu của Việt Nam - giải thưởng đã góp phần khẳng định hình ảnh, vị trí của du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và du lịch biển Thanh Hoá nói chung trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 2.

Thành Nhà Hồ - Thành lũy bằng đá độc đáo bậc nhất trên thế giới.

Đáng chú ý là, nhiều hoạt động kích cầu, liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa với các địa phương, đơn vị trong nước, cùng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch Thanh Hóa đã vươn xa và được tổ chức tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp du lịch thông qua các hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch tiếp tục được nâng tầm và thực hiện hiệu quả; tổ chức đón nhiều đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí các tỉnh, thành phố, khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây nguyên, Tây Bắc về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…

Với lợi thế hội đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa là một trong những tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế, với hơn 1.535 di tích và danh thắng.

Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn…hệ thống giao thông đồng bộ; cùng với tiềm năng có cả ba vùng sinh thái là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng biển, đó là cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng.

Đây là những điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa khai thác , phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tính đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa có 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký gần 153.000 tỉ đồng, trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch, như Vingroup, Sungroup, Flamingo, FLC… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi đẳng cấp, quy mô lớn tại Thanh Hóa.

Ngoài việc thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng tập trung mọi nguồn lực tổ chức thành công 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, có quy mô, chất lượng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch được tổ chức trải dài trong năm góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.

Khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 3.

Khu du lịch biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Chính nhờ có cách đi đúng hướng, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chứng minh cho niềm tin về sự vươn lên mạnh mẽ, liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Lượng khách tìm kiếm về du lịch Thanh Hóa tăng nhanh, đáng kể trong tốp đầu cả nước.

Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2024, ngành Du lịch Thanh Hóa đón 15.300.000 lượt khách, tăng 22,5% so với năm 2023, đạt 110,9% kế hoạch năm 2024, (trong đó khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt khách); tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2023…

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Năm 2024, có thể nói rằng là một năm đột phá về đích của thu hút đầu tư du lịch,văn hóa khi mà nhiều sản phẩm, các gói dịch vụ mới hấp dẫn, chất lượng cao được đưa vào khai thác và phục vụ khách du lịch sau một quá trình thu hút đầu tư, đây được xem là một cú hích rất lớn, tạo sự bứt tốc để thu hút khách du lịch".

Khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 4.

Nghỉ dưỡng tại xã đảo Nghi Sơn, du khách có thể lựa chọn ở tại quần thể khu nghỉ dưỡng Nghi Sơn Eco Island – khu resort duy nhất nằm sát biển với đầy đủ tiện nghi.

Để du lịch giữ đà tăng trưởng, bà Yến cho biết tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là:

Tăng cường liên kết với các địa phương trong công tác thương hiệu- quảng bá tiếp thị, xúc tiến du lịch tại các thị trường trong điểm; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa Thanh Hóa với các địa phương trên cả nước về những chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của các địa phương để cùng tham gia, quảng bá du lịch.

Mặt khác, phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện các sự kiện xúc tiến, ngoại giao du lịch trong nước và quốc tế. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các gói kích cầu du lịch hấp dẫn với phương châm " tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành".

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa" và "Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn" trên các kênh tryền hình Trung ương, địa phương, trên website, nền tảng số và tại các cảng hàng không trọng điểm trên cả nước.

Có thể khẳng định, sự tăng trưởng manh mẽ của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo đà cho các địa phương, các nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách,góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Gỡ khó trong tiếp cận vốn tín dụng xanh Gỡ khó trong tiếp cận vốn tín dụng xanh

Chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp trong thời đại kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tài chính xanh vẫn là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm quá trình chuyển đổi.