Khánh Hòa có gì đặc biệt để được chọn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030?

Sự kiện
04:02 PM 22/02/2022

Nghị quyết số 09-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, địa phương này sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn đến năm 2045, nơi đây sẽ là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ phải được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không…

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; chú trọng việc xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh; hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với các nội dung tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.

Đồng thời, Khánh Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung phát triển nguồn lực con người và khoa học – công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đáng chú ý, vấn đề tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… cũng được nêu trong mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện cho địa phương này.

Khánh Hòa nằm ở trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước.

Khánh Hòa có gì đặc biệt để được chọn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030? - Ảnh 1.

Thành phố biển Nha Trang là một trong những nơi thu hút khách du lịch tới tỉnh Khánh Hòa

Tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, giáp các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Thành phố biển Nha Trang nổi tiếng về du lịch thuộc Khánh Hòa. Năm 2018, Nha Trang lọt top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới theo đánh giá của tờ báo USNews.

Trong tương lai địa phương này cũng sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

Tính đến thời điểm 15/12/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.844 tỷ đồng (năm 2020 thu hút được 22 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.516,76 tỷ đồng).

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2021 ước được 44.525,07 tỷ đồng. Trong đó, khu vực dịch vụ giảm 10,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,49%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 1,82%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,27%, đóng góp tăng 0,46 điểm phần trăm.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 theo giá hiện hành ước được 53.892,82 tỷ đồng, tăng 6,04% so năm 2020. Năm 2021 có 178 công trình khởi công mới và 167 công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư trên 794 tỷ đồng.

Anh Tuấn
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội ước tăng 6%, kinh tế phục hồi rõ nét GRDP Hà Nội ước tăng 6%, kinh tế phục hồi rõ nét

Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, kết quả của 6 tháng đầu năm 2024 được Hà Nội đánh giá tích cực. Nhiều ngành và lĩnh vực của thành phố Hà Nội trong nửa đầu năm 2024 đã có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.