Khánh thành Đền thờ liệt sĩ huyện Xuân Lộc: Thêm một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng ở Đồng Nai
Ngày 9/4, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ huyện Xuân Lộc tại thị trấn Gia Ray. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn với địa phương vì đúng dịp chào mừng thành công đại hội Đảng các cấp; chào mừng 46 năm Ngày giải phóng Xuân Lộc, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước và chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Xuân Lộc (1/7/1991-1/7/2021).
Tham dự buổi lễ có nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng và thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Thay mặt Đảng bộ huyện, đồng chí Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, xúc động nhắc lại lịch sử hào hùng của quê hương Xuân Lộc qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, chống Pháp, chống Mỹ mà cả dân tộc đã ra trận, cùng chung một lý tưởng "Độc lập tự do". Riêng huyện trung du Xuân Lộc, cửa ngõ miền Đông Nam Bộ, được quân địch mệnh danh là "cánh cửa thép", đã trải qua nhiều cuộc chiến cực kỳ ác liệt. Lịch sử của Xuân Lộc được viết bằng xương máu của nhiều thế hệ, còn lưu giữ các địa danh: Căn cứ Rừng Lá, đồi Mặt Trăng, núi Mây Tàu, núi Chứa Chan…
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Xuân Lộc bắt tay "lấp hố bom xây cuộc sống". Huyện 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng LLVTND năm 1999 và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2004. Xuân Lộc còn là huyện đầu tiên cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Thời gian qua, chính quyền huyện đã làm tốt công tác chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo (tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,78%)…
Các đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa kính viếng anh linh các liệt sĩ.
Sau khi chia tách huyện năm 1991, huyện Xuân Lộc không có nghĩa trang liệt sĩ mà chỉ có Đài tưởng niệm liệt sĩ. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương đã lên phương án và kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng một ngôi nhà chung, làm nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thờ phụng anh linh các bậc tiền nhân. Đền thờ Liệt sĩ Xuân Lộc bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 2/2020 và hoàn thành sau một năm thi công.
Theo Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên, Đền thờ liệt sĩ huyện Xuân Lộc tọa lạc tại thị trấn Gia Ray, nằm ở địa thế lưng dựa mặt Đồi Mai, mặt hướng về hồ Núi Le, diện tích tổng khu là 21.000m2, bố trí theo kiến trúc phong thủy cổ truyền Á Đông, âm dương ngũ hành. Kiến trúc đền thờ gồm: Cổng tam quan, sân lễ để tổ chức các hoạt động tưởng niệm, cột cờ chính giữa 2 nhà Tả vu và Hữu vu.
Đền thờ liệt sĩ Xuân Lộc nhìn từ phía trước.
Đền thờ chính có diện tích 355m2 gồm gian thờ chính, phòng khách, hiên sau và sảnh đón. Ngoài bàn thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh linh liệt sĩ, xung quanh bày trí đỉnh hương, đèn thờ, trống da, tranh đồng, câu đối… Phòng khách còn bố trí ván và ghế gỗ cho khách đoàn nghỉ chân. Riêng phòng truyền thống dùng để trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về chiến công của quân và dân Xuân Lộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Phía trước đền thờ là hồ sen lớn, vừa là cảnh quan vừa là nơi tụ thủy. Sau đền có bình phong, cây xanh và thảm cỏ tự nhiên diện tích hơn 1000m2.
Công trình khởi công ngày 27/2/2020 và thi công trong 330 ngày với tổng kinh phí 39,7 tỉ đồng, trong đó khoảng 4,2 tỉ đồng do người dân đóng góp. Ngày 2/2/2021, ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN huyện Xuân Lộc đã tổ chức lễ cầu siêu, cung thỉnh anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền nhân và 559 anh linh các anh hùng liệt sĩ về Đền thờ liệt sĩ huyện Xuân Lộc.
Trong buổi lễ khánh thành, các đoàn đại biểu lãnh đạo cao nhất tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo huyện Xuân Lộc, đại diện các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài huyện đã dâng hoa, dâng hương để kính viếng các anh linh. Đặc biệt, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cũng đã gửi vòng hoa, thông qua Ban tổ chức kính viếng các anh linh.
Châu Phụng - Tiến MạnhKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.