Khánh thành Nhà hát Hồ Gươm - Nhà hát hiện đại nhất Việt Nam
Sáng 9/7, tại số 40A phố Hàng Bài, Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm đã chính thức khánh thành. Đây là nhà hát được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của các loại hình nghệ thuật đa dạng, từ hiện đại đến cổ điển, truyền thống.
Nhà hát Hồ Gươm có quy mô 5.000m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa cạnh hồ Gươm (40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), được giới thiệu là có trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, được thi công trong vòng 22 tháng. Nhà hát Hồ Gươm có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, từ opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình... Các thiết bị âm thanh tại đây đều được đặt hàng riêng để tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất.
Khán phòng lớn của Nhà hát có sức chứa 850 người, khán phòng nhỏ chứa được 500 người. Không gian khán phòng lớn được trang trí cách điệu hình ảnh bông lúa quen thuộc trong hình hiệu của ngành công an. Khán phòng nhỏ được thiết kế như một bông hoa đang nở với đường nét là những sóng âm lan tỏa.
Nhà hát được thiết kế hiện đại, bên ngoài là 52 cột chống bằng đá, mỗi cột cao 18m, được vận chuyển từ Tây Ban Nha về. Nhà hát có các khoảng vượt tầng, vượt nhịp, kết cấu phức tạp.
Ngoài hệ thống thang máy kép, khán giả có thể đi cầu thang hình xoắn ốc từ tầng một lên tầng 6 ở hai bên. Hệ thống âm thanh, ánh sáng được nhà thầu từng thi công hệ thống âm thanh, ánh sáng, thiết bị sân khấu cho các nhà hát nổi tiếng nhất thế giới lắp đặt.
Từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống, biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc...
Hoạ tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay khu chức năng. Đặc biệt ấn tượng là bức phù điêu Huyền thoại Hồ Gươm đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng công an nhân dân và góp phần tô thắm hình ảnh của TP. Hà Nội. Đây là một thiết chế văn hóa với không gian nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hoà bình.
Để phát huy tối đa hiệu quả công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Bộ Công an quản lý, vận hành, sử dụng khoa học, hiệu quả, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường giao lưu, hợp tác với các nhà hát trong nước và quốc tế…
Tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: "Sau Nhà hát Lớn, chúng ta lại thấy một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Chúng ta có quyền hy vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà 'thánh đường nghệ thuật' Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội".
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.