Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu

Địa phương
05:56 PM 03/04/2024

Từ những kiến thức đã được học và từng là giáo viên, bà Vũ Thị Bé về quê (xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) dù đã nghỉ hưu những vẫn khát vọng làm giàu từ nông nghiệp.

Từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư Phạm 1 (khoa Sinh - Kỹ thuật và nông nghiệp), cô giáo Vũ Thị Bé (sinh năm 1960) đã ấp ủ ước mơ, đam mê có 1 cái ao, mảnh vườn nho nhỏ để trồng trọt, chăn nuôi. 

Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu- Ảnh 1.

Bà Bé bên trang trại của mình ở quê xã Trọng Quan - Ảnh: Thành Trung

Sau hơn 30 năm làm nghề giáo, cô đã quyết tâm về tận miền quê xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng) để hiện thực hóa đam mê, ước mơ trồng trọt, chăn nuôi của mình.

Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng, cô giáo Vũ Thị Bé đã tìm hiểu và đưa vào hoạt động mô hình kinh tế VAC. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp bao gồm: vườn (sản xuất trồng trọt), ao (nuôi trồng thủy sản), chuồng (chăn nuôi gia súc gia cầm), phù hợp với người dân. Trang trại có diện tích trên 8000 m2 trong đó: có khoảng 1000 m2 để xây dựng chuồng trại, hơn 2000 m2 là diện tích ao để thả cá, diện tích còn lại là trồng cây ăn quả, chăn nuôi.

Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu- Ảnh 2.
Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu- Ảnh 3.

Quang cảnh trang trại của gia đình bà Bé - Ảnh: Thành Trung

Bà Vũ Thị Bé cho biết: "Tôi nguyên là 1 giáo viên dạy môn sinh, đến năm 2015 về hưu, hưởng chế độ. Đó cũng là lúc tôi có cơ hội được thực hiện đam mê, ước mơ của mình.

May mắn cho tôi, năm đó địa phương có chủ trương cho dân tích tụ ruộng đất, cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang mục đích sản xuất khác. Do đó, tôi tích tụ được trên 8000 m2 - diện tích đất trũng cấy lúa tại cánh đồng thuộc thôn Tràng Vinh (xã Trọng Quan). Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi, tôi đã ngay lập tức quy hoạch, cải tạo biến khu đất này thành trang trại tổng hợp với đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi".

Thế nhưng, để sản xuất thành công thì không đơn giản chút nào. Cô giáo Vũ Thị Bé đã bàn bạc cùng người con trai út là Trần Mạnh Hoàng tìm tòi, học tập những mô hình làm kinh tế tổng hợp VAC từ sách báo, tivi, trên mạng… Đồng thời đi đến tận các mô hình chuyển đổi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, tìm hiểu thị trường để lựa chọn đối tượng nuôi và giống cây phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Để phát triển mô hình kinh tế VAC, cô giáo Vũ Thị Bé xây dựng thêm chuồng bò, trại vịt nuôi vịt lấy trứng phôi. Bước đầu, xác định vừa làm vừa học, vừa đúc rút kinh nghiệm nên chỉ dám đầu tư nuôi 3 con bò thực phẩm, đào ao nuôi cá thịt truyền thống. Năm 2020, khi trang trại dần đi vào ổn định, gia đình đầu tư mở rộng chuồng trại lên hơn 2.000 m2, đào 2 ao với tổng diện tích trên 3.000 m2 để thả các loại cá truyền thống. Hiện trang trại đang nuôi: bò, 1.000 con vịt, trong đó 600 con vịt đang đẻ trứng.

Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu- Ảnh 4.
Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp khi đã nghỉ hưu- Ảnh 5.

Trại nuôi vịt đẻ lấy trứng ấp thành con giống của gia đình bà Bé - Ảnh: Kim Dung

Đối với vịt, nuôi đẻ lấy trứng ấp thành con giống, nuôi loại vịt này cầu kỳ hơn nhiều so với nuôi vịt thực phẩm. Bởi vòng đời của vịt đẻ trứng chỉ có từ 18 - 20 tuần, nên phải chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật thì vịt mới đẻ đều, đẻ sai quả. Chuồng nuôi vịt đẻ cũng phức tạp hơn, tạo theo kiểu chuồng - sân - ao yêu cầu đối với chuồng nuôi là: nền chuồng phải khô ráo, tránh chuột và các động vật khác phá ổ trứng, tránh mưa nắng cho ổ vịt đẻ trứng.

Trứng vịt của trang trại của gia đình bà Bé thường to hơn các hộ chăn nuôi khác, được khách hàng đánh giá cao, bán được giá hơn. Đa số trứng vịt mang đi ấp ở lò, tỷ lệ ấp nở cao. Vịt con ấp nở, một phần để nuôi, còn lại bán cho các hộ chăn nuôi khác trong và ngoài xã. Năm đầu tiên, nuôi vịt đẻ trứng gia đình chỉ thu được 160 - 170 triệu đồng, đến nay thu được gấp đôi.

Trên vườn và quanh bờ ao trồng chủ yếu các loại cây ăn quả, rau màu các loại theo mùa. Dưới những gốc na, gốc đào, cô trồng thêm cỏ Ghinê - 1 loại cỏ rất mềm và cho năng suất cao, vừa nhiều chất dinh dưỡng làm thức ăn cho cá và bò rất tốt, vừa giảm được phần nào chi phí thức ăn. Tổng doanh thu hàng năm của trang trại trên 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Hàng ngày, ngoài nhân lực là 2 mẹ con, bà Bé thuê thêm 1 lao động chính và 4 - 5 lao động thời vụ.

Mô hình trang trại của gia đình bà Vũ Thị Bé

Trao đổi với PV, chị Đặng Thị Doan - Chủ tịch Hội LHPN xã Trọng Quan cho biết: "Trên địa bàn xã, hiện nay có rất nhiều chị em phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả mà điển hình nhất là bà Vũ Thị Bé. Bà Bé không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giàu cho gia đình mà còn gương mẫu, đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, bà còn vận động, cấp con giống giá rẻ, bảo đảm chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các chị em khác để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".

Không chỉ biến ước mơ thành hiện thực, bà Bé còn truyền lửa làm giàu cho người con trai của mình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ cho người dân xung quanh bứt phá vươn lên từ nông nghiệp, đặc biệt là những người có khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Với ý chí và nghị lực vượt khó, vượt khổ quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, biết áp dụng những kiến thức đã được học, được dạy cho học sinh, kết hợp từ thực tiễn, đất đã không phụ công người, vùng đất trũng gần như không có thu nhập, nay đã trở thành mô hình VAC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình bà Bé mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.