Khát vọng tự do - câu chuyện về những người ít được nhắc tới

Tư liệu
10:53 AM 26/07/2021

Sau khi tình hình chiến sự ở Nam Kỳ tạm ổn định, thực dân Pháp mong muốn chiếm luôn cả vùng Bắc Kỳ. Để thực hiện âm mưu nói trên, thống đốc Nam Kỳ Le Myre de  Villers giao quyền chỉ huy đánh chiếm Bắc Kỳ cho đại tá hải quân Henri Rivière.

Ngày 20-4-1882, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, Tổng đốc thành Hà Nội, buộc trong 3 tiếng đồng hồ, quân đội triều đình phải hạ vũ khí đầu hàng. Hạn trả lời chưa hết, quân Pháp đồng loạt nổ súng công phá thành. Chỉ sau vài giờ giao chiến, chúng đã chiếm được thành Hà Nội. 

Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, một số sĩ phu yêu nước đứng đầu là Nguyễn Hữu Bản, cùng với Nguyễn Doãn Cử, Lãng Bắc, Phạm Mới, Hiệp Vỡi, Hiệp An, Năng Thố… tại huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là huyện Vũ Thư, Kiến Xương tỉnh Thái Bình) đã nhìn rõ dã tâm của chúng sẽ đánh chiếm Nam Định, đã chủ động bàn bạc, chuẩn bị tuyển quân, tập luyện, rèn vũ khí, mua thêm súng đạn, lương thảo, áo quần cho nghĩa quân (khoảng 300 quân) đầy đủ, sẵn sàng vào cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong đó thủ lĩnh Nguyễn Hữu Bản quyết định đem hiến ruộng đất của gia đình làm binh điền (cấp cho những gia đình có người tham gia nghĩa quân) với tổng 1.250 mẫu Bắc Bộ. 

photo-1627271239034

Súng Thần Công nghĩa cuân dùng đánh giặc Pháp, nguồn Bảo tàng Đà Nẵng

Ngày 23-3-1883, đại tá Henri Rivière đích thân chỉ huy quân Pháp đi đánh thành Nam với một lực lượng khá mạnh gồm 10 tầu chiến và 4 thuyền vận tải. Chúng xuất quân từ Hà Nội, xuôi theo dòng sông Hồng tiến vào sông Châu. Sau khi chiếm xong Phủ Lý (23-3-1883), ngay ngày hôm sau quân địch đi theo sông Đáy, qua Ninh Bình và tiến vào vùng đất Nam Định. Sáng ngày 25-3-1883, quân Pháp tiến gần tới thành Nam Định và đổ bộ lên bờ, chiếm cứ Đồn Thuỷ. 

Sau đó, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho tổng đốc Vũ Trọng Bình yêu cầu quan quân phải hạ vũ khí và giao nộp thành. Đòi hỏi ngạo mạn đó của Henri Rivière đã bị quan quân bác bỏ. Không nhận được thư trả lời của quan quân trong thành, 6 giờ sáng ngày 26-3-1883, Henri Rivière ra lệnh cho quân lính nổ súng phá thành. 

Đáp trả những đợt tiến công của quân Pháp, Đề đốc Lê Văn Điếm và Án sát Hồ Bá Ôn trực tiếp chỉ huy quân đội triều đình phối hợp cùng với đội dân binh gần 300 người từ Thái Bình sang dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Bản chiến đấu giữ thành. Quân địch đã phải đương đầu với sức kháng cự mạnh mẽ của nhân dân thành Nam. Hàng trăm khẩu thần công từ trong thành nã đạn vào chiến thuyền của địch. 

Mặc dù có tinh thần chiến đấu cao, sẵn sàng xả thân vì sự tồn vong của thành, song quân và dân thành Nam vẫn không cản nổi quân địch. Sau nhiều giờ giao chiến ác liệt giữa hai bên, vào khoảng 1 giờ chiều ngày hôm sau (27/03/1983) quân Pháp đã chiếm được thành Nam Định. Thành bị hạ, thủ lĩnh Nguyễn Hữu Bản tử trận, còn một số sĩ phu yêu nước trở về tập hợp nghĩa binh giữ tuyến sau. Mặc dù thất bại nhưng các sĩ phu gốc Thái Binh cũng đã góp phần thắp lên ngọn lửa kháng chiến trên quê hương Thái Bình, cùng với tiếng súng giữ nước ở nhiều nơi trên toàn quốc, làm bà đỡ oanh liệt cho phong trào Cần Vương ra đời.

photo-1627271240976

Từ đường họ Nguyễn, làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, nơi phối thờ Hàn Lâm tu soạn, nguyên mộ Nguyễn Hữu Bản.

Trong số khoảng 300 sĩ phu, dân binh từ Thái Bình sang hỗ trợ Nam Định đánh Pháp tại Thành Nam, có người được ghi vào sử sách, được lập đền thờ như Thủ lĩnh Nguyễn Hữu Bản (được Vua Tự Đức truy tặng tước Hàn Lâm tu soạn), Danh nhân Nguyễn Doãn Cử… cũng có những người tên tuổi chỉ được ghi trong thơ, ca, giả phả của các dòng họ, và truyền miệng lại cho các đời sau như Phạm Mới, Hiệp Vỡi, Hiệp An, Năng Thố…

Thứ nhất bà bổi Thanh Hoa

Thứ nhì Vương Khải, thứ ba Thạch Sùng

Thứ tư Án Kiến Động Trung

Bỏ tiền mua súng đì đùng bắn Tây

Cổ Ninh, Đường Vịnh, Đồng Mây

Thần công, Hàng Tổng đêm ngày kéo qua

Hiệp Vỡi lớn tiếng hò la

Hiệp An, Năng Thố vác đà lao sau

Lãnh Bắc lớn tiếng yêu cầu

"Hết rơm, hết rạ đốt mau chà rào"

Lửa hồng ngun ngút bốc cao

Thần công, đạn nổ bắn vào quân Tây

Phạm Mới da đỏ hây hây

Lo toan tiền gạo đêm ngày nuôi quân

Thành Nam xa lắm bao lần

Trên vai tiền gạo đôi chân đi về

Thần công mai phục trên đê

Chờ tầu pháp tới xin thề đánh tan

Những vần thơ hay, ngắn gọn, súc tích, đã mô tả được một cách chân thực, khí thế hào hùng trong việc tổ chức đánh giặc Pháp xâm lược của các sĩ phu yêu nước tại vùng quê Thái Bình do Thủ lĩnh Nguyễn Hữu Bản chỉ huy. Bài thơ thể hiện ý chí, quyết tâm về độc lập dân tộc, khát vọng tự do. Những áng thơ trên cũng đã "sử thi hóa", "thi vị hóa", "cá nhân hóa", "công nông hóa", "cần lao hóa"... cuộc chiến chống thực dân Pháp của các sĩ phu yêu nước ở Thái Bình, góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trong cả nước.

photo-1627271242057

Tiền nuôi quân của thủ lĩnh Nguyễn Hữu Bản

Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các sỹ phu yêu nước, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các thế hệ đi trước đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn