'Khẩu vị' tự doanh của các công ty chứng khoán đã thay đổi
Các công ty chứng khoán đang có sự điều chỉnh rõ rệt trong chiến lược phân bổ tài sản tự doanh, thể hiện qua tỷ trọng giữa ba nhóm chính: FVTPL (ghi nhận thông qua lãi/lỗ), HTM (nắm giữ đến đáo hạn) và AFS (sẵn sàng để bán).
Trong Mùa báo cáo tài chính quý II và bán niên 2025 của nhóm công ty chứng khoán, bức tranh lợi nhuận dần lộ diện, với điểm sáng thuộc về nhóm công ty dẫn đầu. Trên toàn ngành, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, nhờ dư nợ cho vay margin tăng quý thứ 10 liên tiếp, vượt mốc 300.000 tỷ đồng, giúp TCBS, SSI, VIX ghi nhận mức lãi ấn tượng.

Song song, mảng tự doanh cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Theo thống kê từ báo cáo tài chính gần 80 công ty chứng khoán, tổng giá trị danh mục tự doanh tính đến cuối tháng 6/2025 đạt gần 323.600 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD), tăng hơn 4,5% so với cuối quý I và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Thống kê đến cuối quý II/2025, các công ty chứng khoán đang có sự điều chỉnh rõ rệt trong chiến lược phân bổ tài sản tự doanh, thể hiện qua tỷ trọng giữa ba nhóm chính: FVTPL (ghi nhận thông qua lãi/lỗ), HTM (nắm giữ đến đáo hạn) và AFS (sẵn sàng để bán).
FVTPL vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất, với gần 193.700 tỷ đồng - đi ngang so với quý trước và tương đương 60% tổng danh mục. Ngược lại, HTM tăng 13% lên gần 91.700 tỷ và AFS tăng 17% lên hơn 38.200 tỷ.
Diễn biến này cho thấy khẩu vị đầu tư đang có sự dịch chuyển từ các tài sản có kỳ vọng sinh lời cao sang các khoản có thu nhập cố định, nhằm đảm bảo thanh khoản và lợi suất ổn định trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Ví dụ, SSI giữ vị trí số 1 về giá trị tự doanh với hơn 50.600 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất), trong đó FVTPL chiếm 87%, chủ yếu là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Danh mục cổ phiếu chỉ khoảng 1.162 tỷ đồng.
VNDirect xếp sau với khoảng 29.600 tỷ đồng, phân bổ cân đối giữa FVTPL (70%) và HTM (30%).
VPBankS và VIX nổi bật với tỷ lệ FVTPL chiếm 94% danh mục. HSC phân bổ 100% vào FVTPL, chủ yếu vào trái phiếu ngân hàng và cổ phiếu VN30 với trọng điểm là HPG (được rót hơn 1.200 tỷ đồng).
Trong bức tranh tổng thể về nguồn lực tự doanh, mỗi công ty chứng khoán có chiến lược phân bổ tài sản riêng, song điểm chung là phần lớn đều thận trọng với mảng tự doanh cổ phiếu, đặc biệt trong Top 10 thị phần môi giới.
Các tên tuổi như SSI, VNDirect, HSC chỉ phân bổ tỷ trọng nhỏ tài sản vào cổ phiếu niêm yết; Vietcap thậm chí đã bán ra phần lớn danh mục trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn biến động.
VIX là trường hợp ngoại lệ khi ghi nhận giá gốc danh mục cổ phiếu tự doanh (niêm yết và chưa niêm yết) lên tới 6.300 tỷ đồng, giá trị thực tế hơn 7.420 tỷ đồng trên báo cáo tài chính. Khoản đầu tư lớn này đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh đột biến của công ty trong quý II và nửa đầu năm, đưa VIX trở thành một trong những đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất ngành.
Minh An (t/h)
Dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chậm lại trong nửa đầu năm nhưng cá ngừ Việt Nam xuất sang Thái Lan lại tăng đột biến 137%.