Khi hàng không ''bắt tay'' du lịch
Các sân bay đông đúc, các chuyến bay nội địa hầu hết đều được lấp đầy và các điểm du lịch trọng điểm đã sôi động trở lại cho thấy hiệu quả của sự "bắt tay" hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch. Điều này không chỉ khẳng định nỗ lực vượt khó của hai ngành mà còn tạo dựng hình ảnh Việt Nam - điểm đến an toàn đối với du khách.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành Hàng không và Du lịch giúp lượng khách đi máy bay tăng trở lại. Ảnh: Tuấn Khải
Mở thêm nhiều đường bay mới
Từ sáng sớm 26-6, gia đình anh Phạm Minh Hưởng ở số 278 đường Thanh Bình (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) đã có mặt tại sân bay Nội Bài để kịp chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines) đi Phú Quốc (Kiên Giang). Anh Hưởng chia sẻ: “Việt Nam đã khống chế rất hiệu quả dịch Covid-19. Các điểm đến cũng như các chuyến bay nội địa đều đã an toàn. Nay các con vừa kết thúc kỳ thi học kỳ nên gia đình tôi tranh thủ cuối tuần đi du lịch”.
Những ngày này, sân bay Nội Bài cũng như các sân bay: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc đều đã đông đúc trở lại. Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tô Tử Hà cho biết, sản lượng vận chuyển hành khách tại Nội Bài đã phục hồi tương đương với trước khi có dịch Covid-19. Hiện tại trung bình mỗi ngày có khoảng 400-450 lượt chuyến bay qua cảng (hầu hết là chuyến bay trong nước) với hơn 60.000 khách.
Số liệu thống kê cho thấy, số lượng chuyến bay mà các hãng hàng không Việt Nam thực hiện trong tháng 5 và 6-2020 đã phục hồi nhanh. Chỉ trong giai đoạn từ ngày 19-5 đến ngày 18-6, các hãng hàng không thực hiện tổng cộng 18.623 chuyến bay, tăng 116% so với tháng 4-2020. Bên cạnh việc mở lại các đường bay tạm dừng khai thác do giãn cách xã hội, với mục tiêu kích cầu du lịch, trong tháng 5 và 6-2020, Vietnam Airlines đã mở mới 13 đường bay nội địa kết nối tới những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước. Trong đó, đáng chú ý như đường bay từ Hải Phòng tới Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ; từ Vinh tới Cần Thơ... Tương tự, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) cũng mở 8 đường bay mới, như Hà Nội - Quy Nhơn; Vinh - Phú Quốc; Đà Nẵng - Phú Quốc…
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, việc phát triển mạng bay nội địa kích cầu du lịch còn giúp hàng không tăng tỷ lệ khai thác đội máy bay và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đáng chú ý, dù doanh thu bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019 và hầu hết các hãng hàng không đều báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá vé máy bay nội địa vẫn giảm mạnh để kích cầu du lịch.
Phục hồi du lịch nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế
Du khách tham quan thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Lệ Quyên
Việc các hãng hàng không mở lại nhiều đường bay, tăng chuyến bay trong nước là điều kiện quan trọng để ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi thị trường nội địa, đồng thời sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi Chính phủ cho phép.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc, Tổng cục và các hãng hàng không đã ký kết nhiều chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Cụ thể như biên bản hợp tác chiến lược giai đoạn 2020-2022 về quảng bá, xúc tiến du lịch giữa Tổng cục Du lịch với Vietnam Airlines; biên bản hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch giai đoạn 2019-2021 với Vietjet Air. Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành ở nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ… cũng tăng cường hợp tác với các hãng hàng không để xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours (trước kia là Hanoi Redtours) Nguyễn Công Hoan cũng cho rằng, thị trường du lịch nội địa đang khởi sắc mạnh mẽ. Các tour kích cầu trong tháng 5 và tháng 6-2020 nhanh chóng được bán hết, hiện các tour tháng 7-2020 cũng đã kín chỗ. “Sự liên kết chặt chẽ giữa hàng không, lữ hành, lưu trú góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng với mức giá giảm từ 40% đến 50%. Một yếu tố nữa giúp du lịch nội địa phục hồi nhanh là các đơn vị đều ý thức rõ mục tiêu lấy lại niềm tin của du khách, nên dù còn nhiều khó khăn vẫn cố gắng nâng cấp chất lượng dịch vụ”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Đại diện nhiều đơn vị lữ hành cũng cho hay, thông qua chương trình hợp tác với hàng không để kích cầu du lịch, các tour khu vực miền Trung, miền Nam hiện có giá giảm tới 40% so với thông thường, được du khách đón nhận rất tốt. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, điều này không chỉ khẳng định hiệu quả của sự hợp tác mà còn cho thấy nỗ lực vượt khó của hai ngành Hàng không và Du lịch.
Cũng nhờ sự liên kết chặt chẽ với hàng không nên bên cạnh việc đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch có điều kiện chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế ngay khi cho phép. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, Tổng cục Du lịch đã có nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc này. Nhiều phương án được đưa ra, như lựa chọn những quốc gia an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 để đặt vấn đề mở cửa đón khách song phương; trong đó, ngành Du lịch Việt Nam hướng tới một số nước trong khu vực ASEAN, Hàn Quốc, New Zealand…
Cũng theo ông Nguyễn Lê Phúc, nước ta đã “ghi điểm” với thế giới nhờ hiệu quả đạt được trong việc khống chế, kiểm soát tốt dịch Covid-19. “Việt Nam được truyền thông quốc tế liên tục xếp vào danh sách những điểm đến hấp dẫn, an toàn sau dịch Covid-19. Đây cũng là trọng tâm trong chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam với du khách”, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Tuấn Hương - Hoàng LânGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.