Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất sẽ có sức bật lớn nhất
Với phương châm không thể phong toả mãi, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật lớn và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch.
Hàng không Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, các hãng hàng không cần tận dụng lợi thế của một quốc gia sớm khống chế được dịch bệnh để khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp đến là thị trường quốc tế khi thế giới đẩy lùi được dịch COVID-19.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn" sáng 10/11, theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, với các đường bay quốc tế nước ta vẫn duy trì, dù không được thường lệ như trước đây bởi nhiều nơi đã hạn chế các chuyến bay. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.
Căn cứ từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính đòi hỏi của cuộc sống, Bộ GTVT đã xây dựng phương án gồm 2 nội dung chính về việc khôi phục lại các đường bay quốc tế. Đồng thời, tạo niềm tin với bạn bè thế giới rằng Việt Nam từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh và công dân cũng được tạo điều kiện về nước thuận lợi hơn.
Đánh giá quy mô thị trường, nguồn khách quốc tế hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, nhu cầu công dân về nước khoảng 200.000 người, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới nếu tạo điều kiện bà con về nước sẽ tăng hơn, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc, học tập tại Việt Nam, thân nhân mong muốn đến Việt Nam để ghé thăm cũng không nhỏ.... Cục Hàng không ước tính, lượng khách quốc tế có thể đến Việt Nam trước mắt khoảng 500.000 người.
Nhìn nhận về kế hoạch khôi phục lại đường bay quốc tế mà Bộ GTVT vừa đưa ra, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng thời điểm hiện nay là “thiên thời địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế. Việc này phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra.
Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, nền kinh tế phải chịu tác động rất lớn nhưng cũng đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vaccine hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, nền tảng y tế phòng chống dịch Việt Nam đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển.
Kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. Với phương châm không thể phong toả mãi, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật lớn và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch.
GS.TS Trần Thọ Đạt đánh giá, khác với trước đây, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về virus, cách lây nhiễm, điều trị cho bệnh nhân và hạn chế phát tán. Phương châm là linh hoạt, chậm nhưng chắc, chúng ta phải thích ứng an toàn với COVID-19. Do vậy, việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế như kế hoạch Bộ Giao thông vận tải đưa ra là đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình mở cửa chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: "Với tư cách là một chuyên gia về dịch tễ học, tôi hoàn toàn thống nhất đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về mở lại đường bay quốc tế thường lệ".
Khẳng định toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết ngành du lịch xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó.
“Lượng khách du lịch cũng sẽ tăng dần, chúng ta cứ thí điểm và triển khai dần. Cùng đó, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch,” ông Phúc nói.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất là tốc độ tiêm chủng vaccine, ngành du lịch rất mong muốn rút ngắn giai đoạn thí điểm mở cửa du lịch. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, số người được tiêm chủng sẽ tăng rất nhanh, khi đó, Tổng cục Du lịch rất mong muốn có thêm nhiều địa phương tham gia vào chương trình thí điểm du lịch bên cạnh 5 địa phương đang thực hiện thí điểm hiện nay (Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang).
HM (T/h)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.