Khi người trẻ vươn tới… một nhà báo
Nghề báo là một nghề khá “đặc biệt”, có hào quang, có vinh dự đủ để thu hút những người trẻ, nhưng cũng khiến họ dễ dàng bỏ cuộc khi va chạm vào thực tế khắc nghiệt, nếu không đủ dũng cảm…
Một hoạt động của sinh viên báo chí.
Đường xa vạn dặm
Khác với nhiều ngành nghề khác, con đường để một sinh viên ngành báo chí đến cánh cửa của nghề báo hoàn toàn không dễ dàng gì. Học tài chính ngân hàng, người trẻ có thể xin vào làm thực tập tại một ngân hàng nào đó, rồi thành nhân viên ngân hàng.
Học kĩ sư, ra trường đi làm, nghề dạy nghề, là một kĩ sư vững tay nghề. Nhưng học làm báo, ra trường, để trở thành một nhà báo đích thực thì còn muôn vàn nỗi gian nan, lắm người phải bỏ cuộc giữa chừng.
Trần Thị Thanh Thảo, sinh viên của Khoa Báo chí - Truyền thông Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra trường đã 3 năm nay, nhưng con đường đến với nghề báo của cô càng lúc càng xa tít tắp, dù làm báo là ước mơ của cô gái trẻ từ khi mới lớn lên. Thanh Thảo kể, khi đi thực tập năm cuối, làm việc tại một tòa soạn báo, cô gái không gặp may khi người hướng dẫn của cô là một nhà báo… lớt phớt, không có nghiệp vụ vững vàng, không quan tâm đến đàn em.
Sau mấy tháng tự bơi, Thanh Thảo trở về trường không học hỏi được gì nhiều. Sau đó, ra trường, Thanh Thảo xin vào một tòa soạn khác để thử việc, nhưng kết thúc thời điểm thử việc ba tháng, cô chỉ có mỗi… 3 tin vắn đăng báo. Không đủ tiêu chuẩn, Thanh Thảo không được ở lại.
Sau khi long đong thử việc một số tờ báo lớn, nhỏ, vì mưu sinh, cô đành tạm gác ước mơ, xin làm nhân viên viết nội dung website cho một công ty mỹ phẩm. Thanh Thảo nói, càng làm, cô thấy đường trở lại với nghề càng xa vời, vì bản chất viết bài quảng cáo sản phẩm hoàn toàn khác với viết báo, càng làm thì càng mai một đi những gì đã được học trong trường.
Tương tự như Thanh Thảo, Lê Tuấn Anh, một cựu sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng trải bao nhiêu vất vả trên con đường đến với nghề báo. Tuấn Anh kể, từ khi ra trường cho đến nay, chàng trai đã viết đến vài chục bài báo, nhưng chỉ có… 5 bài được đăng rải rác tại các tòa soạn khác nhau.
Trong 5 bài ấy, có đến 3 bài được tòa soạn nhận xét là “vấn đề đáng quan tâm nhưng cách tiếp cận chưa hấp dẫn”, Tuấn Anh phải viết đi viết lại nhiều lần mới đạt. Hơn một năm sau khi ra trường, Tuấn Anh vẫn rong ruổi tìm một điểm dừng chân cho mình tại một cơ quan báo chí ở Sài Gòn.
Trong khi viết bài cộng tác cho các báo, Tuấn Anh nhận làm thêm nhiều công việc khác như chạy grab, giao hàng, phục vụ... để mưu sinh và lấy nghề nuôi nghiệp. Chàng trai trẻ nói, cậu tin là cuối cùng cậu cũng có thể đứng vào hàng ngũ của người làm báo với sự nỗ lực, quyết tâm và lòng kiên trì của mình.
Có nhiều sinh viên báo chí may mắn, hay giỏi giang, ra trường đã được nhận vào một tòa soạn, làm ổn định, con đường đến với nghề báo thênh thang. Nhưng đa phần, sinh viên ngành báo chí ra trường phải lăn lội, nỗ lực nhiều mới có thể vững vàng với ước mơ.
Và cũng không ít người trẻ, do thiếu may mắn, thiếu kiên trì hay tố chất không phù hợp, đã phải bỏ ngang giữa chừng. Hàng năm, sinh viên học ngành báo ra trường làm đủ mọi nghề nghiệp, từ những nghề gần với ngành học như nhân viên truyền thông, biên tập viên nhà xuất bản cho đến các nghề… không liên quan như bán bảo hiểm, chạy xe ôm công nghệ, nhân viên văn phòng…
Yêu nghề nhưng đi… nhầm chỗ
Có những sinh viên ngành báo ra trường với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề cao. Thế nhưng, do thiếu sáng suốt, hoặc xui rủi, họ lại bước vào nhầm nơi, khiến lãng phí thời gian, thậm chí còn đi chệch hướng, hư ngòi bút.
Đó là trường hợp của Nguyễn Thanh Lâm, cựu sinh viên Cao đẳng Phát thanh truyền hình TP HCM. Lâm ra trường, trong khi nhiều bạn bè thấy khó mà rẽ ngang thì chàng trai vẫn quyết tâm tìm lối đi để trở thành một nhà báo. Đọc trên mạng thấy một trang tin tuyển dụng phóng viên chuyên săn tin, với mô tả công việc hấp dẫn, Lâm vội ứng tuyển và được nhận vào làm nhanh chóng.
Công việc của Lâm hóa ra là chuyên đi… nghe ngóng thông tin trên trang cá nhân của các nghệ sĩ, về viết bài, giật tít, “câu view”. Thời gian đầu, Lâm tự hào mình cũng “làm báo” như ai, cũng bắt đầu được đến dự một số sự kiện trong làng giải trí, bài báo đăng lên cũng có nhiều người chia sẻ, tranh cãi, “ném đá”.
Thế nhưng một lần, ngồi tâm sự với bạn học, nhận thấy bạn mình giờ đây đã bước và nghề báo thật sự, dấn thân vào các đề tài nóng hổi, dân sinh, được nghe về những trải nghiệm làm báo chân chính, Lâm nhận ra hóa ra cái nghề của mình chỉ là nghề “hóng hớt”, hoàn toàn không phải là nghề báo. Suy nghĩ nhiều và mặc dù chỗ làm có vẻ ổn định, lương cao, Lâm quyết tâm xin nghỉ làm để quay trở về với con đường làm báo thật sự.
Hoạt động của sinh viên báo chí.
Có rất nhiều bạn trẻ như Lâm nhầm lẫn không nhỏ về nghề báo. Làm việc cho những trang tin hay đơn vị truyền thông chuyên giật tít, “câu view” lấy tiền quảng cáo. Đi thu thập những tin tức “lá cải”, không có ích, thậm chí là “tin rác”, nhưng vẫn nghĩ mình đang làm báo, vẫn bấu víu vào danh vọng tự huyễn hoặc.
Lâm đã dũng cảm thoát khỏi ảo tưởng lệch lạc ấy để đi lại con đường thẳng, nhưng có không ít bạn trẻ vẫn vùng vẫy trong sự nhầm lẫn tai hại. Các bạn trẻ ấy chạy theo những tin sốc, hở hang, đi cóp nhặt, tổng hợp thông tin từ mạng xã hội để rồi “xuất bản” ra những “bài báo” mà không phải báo, hay nói đúng hơn là những ấn bản phẩm độc hại. Cứ như thế, họ bị lụt nghề, bẻ cong ngòi bút, đánh mất lý tưởng ban đầu lúc nào không hay.
Và những nhà báo trái nghề
Ngược lại với những bạn trẻ học ngành báo chí nhưng ra trường đi làm ngành khác, là một lực lượng những người làm báo trái nghề. Họ có thể học ngành sư phạm, tài chính, luật, thậm chí cả kế toán, công an… nhưng yêu nghề báo. Ban đầu là cộng tác với các cơ quan báo chí bằng các bài viết trong lĩnh vực của mình.
Rồi lâu dần, tình yêu nghề thấm vào trong máu, họ chuyển luôn sang làm báo. Làng báo hiện nay có rất nhiều trường hợp như thế, trong đó có cả những lãnh đạo các tờ báo lớn, xuất phát điểm ban đầu không từ ngành báo chí ra. Những tấm gương của thế hệ làm báo trái ngành đi trước là động lực lớn cho nhiều người trẻ muốn dấn thân vào con đường báo chí.
Đoàn Nguyễn Mai Anh là sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội. Cô vừa tốt nghiệp khóa mới đây với tấm bằng loại ưu và được nhiều cơ quan, công ty săn đón. Nhưng Mai Anh quyết định Nam tiến với một lựa chọn nung nấu: Tìm con đường đến với nghề báo. Nghề báo, đó là mơ ước của cô bé học sinh giỏi văn từ khi con nhỏ.
Lớn lên, dù chọn học Ngân hàng theo tâm nguyện của cha mẹ nhưng Mai Anh chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Cô sinh viên mới ra trường cho biết, sẽ làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng nhưng sẽ tập viết bài cộng tác với các báo bằng kiến thức nghề nghiệp.
Hiện nay trên cả nước có 3 cơ sở đào tạo báo chí chính quy là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Mỗi năm, ba nơi này cho ra trường hơn 400 cử nhân báo chí. Ngoài ra, còn một số cơ sở đào tạo khác: Đại học Vinh, Đại học Huế, chưa kể đội ngũ học văn bằng 2 và đại học tại chức…
Lượng sinh viên báo chí ra trường không nhỏ, nhưng để đến được với nghề báo đích thực thì không có bao nhiêu. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ: “Nghề báo yêu cầu những người có kiến thức xã hội sâu rộng, óc quan sát và phán đoán tốt, năng lực giao tiếp nhất định, chưa nói đến các năng lực làm việc khác.
Một buổi gặp gỡ nhà tuyển dụng tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Rất nhiều nhà báo giỏi không phải tốt nghiệp từ ngành báo chí. Như vậy, nếu thí sinh thích nghề báo và thấy đủ năng lực thì hãy nộp đơn thi báo chí. Việc học và việc trở thành nhà báo được xã hội công nhận là cả một quá trình phấn đấu”.
Đối với sinh viên học ngành báo chí, nhiều thầy cô khuyên rằng các em đừng nên bắt đầu bước vào nghề khi ra trường mà hãy rèn luyện các kĩ năng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Cần đọc sách nghiệp vụ cũng như nhiều loại sách khác để trau dồi kiến thức, học thật tốt ngoại ngữ, ghi nhận những sự vật, hiện tượng chung quanh bằng con mắt nhạy bén, tập viết tin, bài cộng tác với các cơ quan báo chí… Có sự trau dồi, chuẩn bị từ sớm thì bước ra trường, sinh viên sẽ không bỡ ngỡ, có xuất phát điểm sớm và dễ đạt được ước mơ đến với nghề báo hơn…
Ngọc MaiCác chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.