Khi Nhật Bản trở thành 'kẻ ra rìa' trong cuộc đua chip điện tử, cơ hội nào cho Việt Nam và các nền kinh tế khác khu vực ASEAN?
Nhật Bản - quốc gia từng là niềm tự hào của châu Á trong cuộc đua về công nghệ mới, nay lại bị "ra rìa" khi Mỹ và Trung Quốc vẫn chạy đua không ngừng về bằng sáng chế, hay những sản phẩm kỹ thuật tiên tiến nhất. Vậy cơ hội nào cho các nền kinh tế mới nổi trong lĩnh vực này?
Nhật Bản - đất nước từng là nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới, nay lại đang phải phụ thuộc vào Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cho hầu hết sản phẩm chất bán dẫn vì sự thiếu đầu tư vào lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ. Sự thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu năm nay đã cho thấy việc phụ thuộc vào Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc bất cứ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào rủi ro ra sao.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Nhật Bản đã tuyên bố thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước là một sứ mệnh quốc gia, không kém phần quan trọng so với việc đảm bảo thực phẩm và năng lượng.
Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch này, Nhật Bản phải đặt những lo ngại về các khoản nợ đang tăng lên sang một bên. Ông Tetsuro Higashi, cựu chủ tịch của nhà sản xuất chip lớn nhất Nhật Bản Tokyo Electron nhận định, Chính phủ nước này cần cam kết tài trợ ít nhất 1.000 tỷ yen (9 tỷ USD) năm nay và hàng nghìn tỷ sau đó.
Ông Tetsuro là cố vấn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản về chiến lược bán dẫn.
Trước đó, những nỗ lực để khắc phục ngành công nghiệp chip của Nhật Bản tập trung vào việc cố gắng tạo ra những "ông lớn" bằng cách hợp nhất các công ty trong nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết đều thất bại.
Sau đó, Nhật Bản đã thay đổi chiến lược, bao gồm đưa ra những biện pháp khuyến khích để thu hút các xưởng đúc ở nước ngoài như TSMC - nhà sản xuất chip theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới xây dựng cơ sở sản xuất ở Nhật Bản với các đối tác tại đây.
Song, theo Bloomberg, muốn "vực dậy" ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử, Nhật Bản cần gỡ bỏ những bảo hộ, giảm bớt thủ tục hành chính, tuyển dụng thêm nhân tài từ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc phải loại bỏ "Nhật Bản là trung tâm" (Japan-centrism) - tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức các doanh nghiệp.
Vậy cơ hội nào cho Việt Nam và các nước trong khu vực?
Trên thế giới hiện nay, hầu hết trong số bộ vi xử lý của 1,4 tỷ điện thoại thông minh được tiêu thụ đang được cung cấp bởi TSMC. Còn Intel nắm 80% thị trường vi xử lý máy tính. Trong khi đó, Samsung chiếm lĩnh thị trường chip nhớ.
Như vậy, nếu nhìn lại chi phí của 3 hãng lớn này, thì mỗi nhà máy của các "ông lớn" trên có mức đầu tư hơn 20 tỷ USD. Trong khi đó, chưa kể để không bị thua lỗ ở lĩnh vực sản xuất chip, thì phải có tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn trên 90% lượng sản phẩm sản xuất ra.
Thực chất, việc tự chủ về chip tại ngay cả những quốc gia lớn cũng đang gặp khó khăn. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết dành 50 tỷ USD như là một phần của gói xây dựng kết cấu hạ tầng 2.300 tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất, đạt được sự tự chủ về chip tại Mỹ. Ngay cả EU cũng lên kế hoạch sản xuất chip riêng của mình. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có gì đảm bảo các kế hoạch này sẽ thành công.
Theo tính toán của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, Mỹ cần khoản đầu tư và hỗ trợ khác của Chính phủ trị giá đến 1.400 tỷ USD, và phải hơn 1 thập kỷ thì mới hoàn thành được kế hoạch như trên. Như vậy, con số cam kết 50 tỷ USD vẫn đang quá nhỏ. Như vậy có thể thấy, việc xây dựng công nghiệp chip nội địa là vô cùng thách thức.
Quay lại ở Việt Nam, công nghiệp bán dẫn là ngành được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.
Việt Nam đang có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP. HCM. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vi mạch bán dẫn lớn trên thế giới đã liên tục rót vốn vào lĩnh vực này, điển hình như Intel, Sonion, Applied Micro, Samsung...
Đặc biệt, tháng 6 năm nay, xuất khẩu chip của Việt Nam và một số nước ASEAN còn mạnh hơn cả cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tính riêng tháng 6/2021, xuất khẩu của Việt Nam và một số nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN đã cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là do nhu cầu về các sản phẩm bán dẫn tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng thiếu chip trên toàn cầu.
Samsung, Apple, Wistron, Pegatron hay Foxconn, đang mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có và muốn đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các hãng sản xuất chip và bán dẫn quốc tế xem Việt Nam như địa điểm tiềm năng để mở rộng những cơ sở sản xuất.
Cụ thể, Intel đầu tư khoảng 475 triệu USD vào sản xuất chip tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên khoảng 1,5 tỷ USD. Qualcomm cũng khai trương Phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm tra, Nghiên cứu và Phát triển chất bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội.
Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng tìm hiểu cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn Pegatron đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD.
Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng cho biết thành lập 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.
Nikkei Asia kết luận, đến năm 2030, một nửa số máy tính xách tay được bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Bằng chứng là hàng loạt dự án máy tính sản xuất tại Việt Nam như Wistron sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam, một số công ty máy tính khác như Compal Electronics cũng đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù hiện chưa thấy có dấu hiệu doanh nghiệp nội địa Việt Nam có thể sản xuất chip, song với nền tảng về chính sách, cũng như làn sóng thu hút loạt tập đoàn điện tử toàn cầu sẽ là cơ sở để lĩnh vực này của Việt Nam ngày càng phát triển.
Anh VũThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.