Khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai, óc phán đoán của bạn bị ảnh hưởng như thế nào?

Giáo dục
10:04 PM 01/12/2021

Việc sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ hiện nay ắt hẳn đã không còn là điều quá xa lạ với chúng ta. Vậy nhưng bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi rằng việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai ấy có ảnh hưởng đến óc phán đoán của mình như thế nào chưa?

Trước khi đi vào vấn đề, ta hãy cùng xem lại song đề đạo đức (Moral Dillema) nổi tiếng về đoàn tàu của Philippa Foot.

photo-1638367927467

Vào năm 1967, nhà triết học Philippa Foot đã đặt ra một tình huống giả định như sau: Bạn nhìn thấy một đoàn tàu mất thắng đang chạy thẳng về phía trước và sắp sửa đâm vào năm công nhân đang làm việc trên một đường ray; tuy nhiên, bạn có thể gạt cần gạt để đưa đoàn tàu rẽ sang một đường ray khác chỉ có một công nhân. Khi quyền định đoạt mạng sống nằm trong tay bạn, bạn sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào đây?

Hiển nhiên, phần lớn chúng ta sẽ chọn cách kéo cần gạt để rẽ sang đường ray khác, vì dẫu sao trong một tình huống tiến thoái lưỡng nan như thế này, ta sẽ thiên về những lựa chọn mang lại ít thiệt hại hơn. Đa số mọi người, dù đang nói tiếng mẹ đẻ hay một ngôn ngữ khác, đều đưa ra quyết định kéo cần gạt để hy sinh một mạng. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn lại trở nên khó nhằn hơn với một tình huống thứ hai cũng tương tự như tình huống đầu: Cũng với đoàn tàu mất thắng và năm công nhân xấu số đang làm việc trên đường ray, chỉ khác điều lần này bạn không đứng gần cái cần gạt nào cả mà đang đứng trên cầu, cạnh bạn là 1 người to béo lạ mặt, và cách duy nhất để ngăn đoàn tàu đang lao đi ấy là… đẩy gã béo từ trên cầu xuống đường ray!

Kết quả thu được từ tình huống này rất đáng ngạc nhiên. Một bài nghiên cứu của Trường Đại học Chicago đã chỉ ra rằng, khi người ta được yêu cầu phải đưa ra lựa chọn trong khi sử dụng tiếng mẹ đẻ, họ sẽ chọn không đẩy người lạ mặt xuống. Ngược lại, nếu sử dụng ngôn ngữ thứ hai để đưa ra lựa chọn, họ có xu hướng chọn cách đẩy người lạ mặt xuống để cứu năm người kia.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng khi phải đưa ra lựa chọn liên quan đến việc được/mất (losses, gains, and risks), các lựa chọn sẽ bị tác động khi vấn đề được đặt ra trong một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của người tham gia. 

Ví dụ: Giả sử như bạn được cho 1 USD. Tiếp theo, người ta sẽ đề xuất bạn chơi trò tung đồng xu với họ. Nếu đồng xu ra mặt ngửa, bạn phải trả lại cho họ 1 USD đó. Ngược lại, nếu là mặt sấp, bạn sẽ nhận được thêm 1,5 USD nữa, tức là lúc ấy bạn sẽ có đến 2,5 USD. 

Câu hỏi là bạn có chấp nhận tham gia vào trò tung đồng xu hay không? 

Khi được đặt vấn đề bằng tiếng mẹ đẻ, hầu hết những người tham gia chọn không tung đồng xu. Họ nghĩ rằng việc có 1 USD vẫn an toàn hơn là đánh cược 50/50 cho 2,5 USD. Tuy nhiên, xét theo mặt toán học, việc đánh cược này là rất hời, bởi giá trị dự đoán (expected value) lên tới 1,25 USD, so với kết quả chắc chắn ban đầu (sure outcome) chỉ có 1 USD. 

Trái lại, khi vấn đề này được đặt ra bằng ngôn ngữ thứ hai, người tham gia lại chọn đánh cược với trò tung đồng xu. Nghiên cứu này cho rằng khi người ta đang sử dụng một ngôn ngữ khác, họ thường không phán đoán bằng trực giác/trực cảm (intuition) nữa, mà bắt đầu đưa ra các suy đoán có lý trí hơn (rational thought). Xét theo một góc độ logic, những người tham gia này đã đưa ra một quyết định tốt hơn nhiều khi họ không sử dụng tiếng mẹ đẻ. 

Dĩ nhiên, không thể đưa ra kết luận khơi khơi từ song đề đạo đức của Philippa Foot rằng cứ nói một ngôn ngữ khác là con người ta mất hết cả nhân tính được. Những nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago đã đưa ra một lời giải thích khá hợp lý cho vấn đề này. Nhà tâm lý học và đồng tác giả với bài nghiên cứu trên, Sayuri Hayakawa, đã viết như sau: 

"The languages we use are not simply interchangeable vehicles for transmitting ideas, rather, the language itself can change how we think and feel about those ideas".

(Tạm dịch: Ngôn ngữ chúng ta đang nói không đơn thuần chỉ là những phương tiện để truyền đạt ý tưởng, mà nó còn có khả năng thay đổi cách ta nghĩ và cách ta cảm nhận về những ý tưởng ấy).

Khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai, óc phán đoán của bạn bị ảnh hưởng như thế nào? - Ảnh 2.

Để giải thích cặn kẽ hơn, ta hãy cùng quay trở lại với song đề đoàn tàu đã nói ở đầu. Khi phải lựa chọn giữa việc khoanh tay đứng nhìn năm công nhân bị cán trên đường ray hay tự tay mình đẩy một người lạ mặt xuống để chặn đứng thảm kịch, việc suy nghĩ về vấn đề này trong ngôn ngữ nào có tác động rất lớn với quyết định cuối cùng của bạn. 

Khi bạn tưởng tượng tình huống giả định này bằng tiếng mẹ đẻhình ảnh đẩy một người đến chỗ chết sẽ trở nên rõ ràng và sống động vô cùng. Vì thế, trong trường hợp này, đa số những người tham gia đều chọn tha mạng cho người lạ mặt ấy, họ không thể chịu đựng được cảnh tự tay mình giết một ai đó dù chỉ là gián tiếp. 

Mặt khác, nếu bạn tưởng tượng tình huống giả định này bằng một ngôn ngữ thứ hai, thì hình ảnh đáng sợ ấy lúc bấy giờ sẽ không còn rõ ràng và sống động như vậy nữa. Điều đó sẽ khiến việc đưa ra lựa chọn đẩy một người xuống cầu để cứu năm người kia dễ dàng hơn, bởi mức độ khủng khiếp của nó không cao bằng tình huống giả định trong tiếng mẹ đẻ. 

Hayakawa đã đưa ra kết luận như sau: 

"When a scene is described in your native language, those words are intimately linked to a rich store of memories and associations, which help build a vivid image of what you’re hearing. But foreign languages won’t elicit as clear imagery because they’re less often associated with deep formative experiences". 

(Tạm dịch: Khi một cảnh trí nào đó được miêu tả bằng tiếng mẹ đẻ của bạn, những từ ngữ ấy sẽ tạo ra một mốt liên hệ mật thiết với một kho tàng ký ức và những sự liên tưởng vô cùng phong phú, từ đó vẽ nên một hình ảnh sống động với những cái mà bạn nghe được. Nhưng miêu tả bằng ngôn ngữ thứ hai sẽ không mang lại một hình ảnh rõ ràng như thế, bởi những mối liên kết sâu sắc với các trải nghiệm của bạn ít hơn)

Tóm lại, ngôn ngữ không đơn giản chỉ là một công cụ để truyền đạt thông tin, nó còn có khả năng tác động đến suy nghĩ lẫn cảm xúc của chúng ta. Ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức to lớn trong cách con người nhìn nhận thế giới xung quanh và các sự việc và luôn là một chủ đề vô cùng thú vị cho những nhà nghiên cứu.

Phúc Lê
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.