Kho bạc Nhà nước liên tục chào mua ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá tăng cao
Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại. Khối lượng chào mua đợt này dự kiến tối đa là 150 triệu USD theo hình thức giao ngay.
Mới đây, Kho bạc Nhà nước (KBNN) thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại (NHTM).
Cụ thể, KBNN chào mua với khối lượng dự kiến tối đa 150 triệu USD; loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay; ngày giao dịch là 8/5/2025; ngày thanh toán dự kiến là 12/5/2025. Đây là đợt chào thứ 8 kể từ đầu năm 2025 đến nay.
Trước đó, KBNN đã chào mua tối đa 150 triệu USD, 200 triệu USD, 150 triệu USD, 300 triệu USD, 300 triệu USD, 130 triệu USD và 110 triệu USD từ các NHTM, với ngày giao dịch là 13/2, 19/2, 25/2, 13/3, 20/3, 27/3 và ngày 23/4 loại hình giao dịch giao ngay.

Như vậy, KBNN đã có 8 đợt chào mua ngoại tệ kể từ đầu năm đến nay với tổng quy mô gần 1,5 tỷ USD. Việc KBNN tổ chức đấu thầu mua USD (thông thường mục đích chính là trả nợ nước ngoài) trong khi giá trị đồng USD vẫn duy trì ở mức cao tiếp tục hỗ trợ thêm đà tăng của tỷ giá.
Động thái chào mua ngoại tệ của KBNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, ghi nhận trong ngày 8/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.927 VND/USD, tăng 585 đồng so với đầu năm.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS cho biết, bất chấp chỉ số DXY đã giảm mạnh 9,7% từ đỉnh năm 2025, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì ở ngưỡng cao.
Trong đó, việc Kho bạc Nhà nước liên tục chào mua USD từ các ngân hàng thương mại là một yếu tố quan trọng khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thương mại đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng.
Các chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.500-26.000 trong năm 2025, trong bối cảnh đồng USD phục hồi từ chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất cao và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.
Huyền My (t/h)
Để đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.