Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp xây dựng "lấn sân" sang bất động sản

Doanh nghiệp
08:54 AM 07/03/2024

Việc lấn sân sang bất động sản đang là xu hướng của nhiều nhà thầu xây dựng. Nguyên nhân được cho là do ngành xây dựng đang trong giai đoạn rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí tình trạng làm dưới giá vốn đang trở nên phổ biến.

Khó khăn của ngành xây dựng buộc các nhà thầu xây dựng phải chuyển hướng sang nước ngoài hoặc tìm cách mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Có nhiều lợi thế để “lấn sân” sang đầu tư dự án vì sự kết nối tương đối lớn, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang rót cả “núi tiền” với tham vọng tận dụng thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận.

Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp xây dựng "lấn sân" sang bất động sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hàng loạt các ông lớn xây dựng như Ricons, Newtecons, Fecon, Coteccons... cũng lần lượt xuất hiện trong vai trò trực tiếp đầu tư dự án.

Coteccons (CTD), một nhà thầu được xem là một trong những trường hợp "cá biệt" của ngành xây dựng trong năm 2023 khi ghi nhận doanh thu 16.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng và là năm có lợi nhuận trở lại ngưỡng trăm tỷ đồng sau 3 năm sụt giảm, đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group). Đây là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.

Lựa chọn bước chân sang lĩnh vực bất động sản là con đường không chỉ riêng Coteccons. Nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành đã bàn luận hoặc thực hiện hoạt động này.

Trước Coteccons, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản, với mục tiêu mở rộng nguồn thu bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp. Tiêu chí của công ty là đầu tư có chọn lọc, liên kết với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đầu tư nhiều vào các dự án bất động sản, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số dự án công ty đầu tư có mặt tại TPHCM gồm 1C Tôn Thất Thuyết (quận 4), Ascent Garden Homes (quận 7), Ascent Plaza (quận Bình Thạnh), Ascent Lake Side (quận 7), Long Thới (huyện Nhà Bè), Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình (quận 9)... 2 dự án đã đầu tư tại Canada gồm Connolly ở Hamilton và Queenston Quarry ở Niagara-on-the-Lake, bang Ontario.

Cùng với đó, Newtecons - một tên tuổi đang có những tăng trưởng thần tốc do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập cũng đang có định hướng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào bất động sản.

Tuy nhiên, những diễn biến từ thực tế cho thấy "miếng bánh" bất động sản không dễ "nuốt" khi ngay chính thị trường này cũng đang được tìm cách tháo gỡ "nút thắt".

Ngay cả những nhà thầu hàng đầu cũng thừa nhận khó khăn khi "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản. Hòa Bình (HBC) dù có không ít tham vọng lấn sân sang làm dự án, nhưng do nhìn thấy những khó khăn phải đối diện, nên doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải vẫn chú trọng việc “xuất ngoại” hơn.

Hay như Coteccons - đơn vị có tiềm lực rất mạnh, khó bị "lung lay", cũng thừa nhận, cạnh tranh trên thị trường bất động sản rất khốc liệt nên doanh nghiệp này không đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản và cạnh tranh với các khách hàng hiện nay.

Đặc biệt, khi sức đề kháng của ngành xây dựng chưa kịp hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cùng "cơn bão giá" vật liệu tăng cao, thì việc tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bất động sản có thể khiến doanh nghiệp xây dựng yếu càng thêm yếu.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, dòng tiền vận hành eo hẹp, khiến ngay cả một ông lớn giàu tiềm lực như Coteccons hay Hòa Bình cũng đang bị đặt dấu hỏi khi lấn sân sang bất động sản, thì việc các nhà thầu khác có tham vọng chia lại thị phần ngành bất động sản rõ ràng là thách thức rất lớn.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn