Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành sợi dù đã bớt lỗ
Dù doanh nghiệp sợi đã giảm lỗ trong quý I/2024, thị trường khởi sắc hơn, tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp.
Sợi là một trong số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn của ngành dệt may. Quý I/2024, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã có kết quả kinh doanh tích cực.
Điển hình như Công ty CP Sợi Thế Kỷ có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2024 đạt 265,7 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Sợi Thế Kỷ lý giải, mặc dù doanh số thấp hơn so với cùng kỳ 0,6% và giá bán giảm 7,1% so với cùng kỳ nhưng do giá vốn giảm 13% nên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ. Mặt khác, do thu nhập tài chính kỳ trước khá cao trong khi chênh lệch tỷ giá ghi vào chi phí tài chính kỳ này tăng nhiều hơn so với cùng kỳ làm cho lãi trước và sau thuế giảm.
Còn tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều cải thiện so với cùng kỳ, tập trung tại các doanh nghiệp lớn đã có sự cải thiện trên 20% hiệu quả. Từ đó, doanh số bán hàng quý II/2024 dự kiến sẽ tốt hơn (khoảng 9.000 tấn). Hiện nay, doanh nghiệp đang làm việc với các thương hiệu và khách hàng để chốt đơn hàng cho mùa xuân hè 2025 - giao hàng 6 tháng cuối năm 2024. Doanh số bán quý III và quý IV/2024 có thể ở mức tương ứng 10.500 tấn và 12.000 tấn.
Doanh thu quý 1/2024 của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng đi ngang so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.354 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, TNG lãi sau thuế gần 42 tỷ đồng. Con số này khá khả quan sau một thời gian gặp khó khăn đối với doanh nghiệp.
Về giá bông, sợi, do đang chuẩn bị kết thúc vụ mùa cũ và bước sang vụ mùa mới, cùng với đó là áp lực cho bông tháng 5 và tháng 7 còn tương đối lớn, vì vậy giá bông sẽ khó có cơ hội giảm sâu trong thời gian tới.
Cùng với giá bông, giá bán sợi hiện nay đang đạt “đỉnh” so với năm 2023 và có chiều hướng quay đầu, với các đơn vị đã mua được sợi giá 2,05 - 2,15 USD/kg thì đây là cơ hội để ngành sợi có lợi nhuận và cần phải nắm lấy cơ hội khi thị trường sợi có nhiều cải thiện so với cùng kỳ.
Khi thị trường đi xuống, chắc chắn các doanh nghiệp ngành sợi sẽ mất đi cơ hội sau thời gian dài thị trường trầm lắng và giá sợi ở mức thấp kỷ lục như năm 2023. Liên quan đến các đơn hàng sợi trong quý III, khả năng giá bông sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng trên 2 USD/kg cho tới ngày 21/6/2024 trong khi giá sợi tiếp tục trên đà giảm, đây chắc chắn sẽ là rủi ro đối với ngành sợi trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, hiện thị trường nước ngoài đang có xu hướng tăng nhập khẩu đa dạng các loại xơ, như sợi tái chế, sợi sinh học, sợi thông minh, sợi kháng khuẩn, kháng cháy... với thời gian giao hàng yêu cầu nhanh (thời gian khoảng 1 tháng cho 200 – 300 tấn sợi) cũng đặt ra rất nhiều yêu cầu trong sản xuất.
Không chỉ vậy, khách hàng cũng đặt ra những nhiều yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc bông sợi, như 100% sử dụng bông Úc, 100% sử dụng bông Mỹ… Trường hợp phát hiện sai nguồn gốc có thể bị phạt rất nặng trong khi giá bông sợi tại 2 thị trường này tương đối cao và có ít hiệu quả so với bông sợi của các khu vực khác.
Như vậy, dù doanh nghiệp sợi đã giảm lỗ và dần cải thiện, nhưng rất nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp.
Một điểm đáng quan tâm nữa là từ ngày 1/7, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở mức 6%. Việc tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm và khả năng tăng tiền điện trong năm 2024 sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.
Hơn nữa, khó khăn hiện nay là do chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi thế giới đều gặp khó khăn nên cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024. Do đó, nhiều doanh nghiệp sợi đề nghị các ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để doanh nghiệp sợi có thể duy trì được sản xuất. Cùng với đó, trong thời điểm khó khăn, cần có chính sách về tiền lương và tiền điện phù hợp với sức khỏe doanh nghiệp.
Minh An (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.