Khó mua nhà ở xã hội vì lãi suất ngân hàng quá cao
Lãi suất ngân hàng đã khiến cho không ít doanh nghiệp chùn bước trong việc thực hiện nhà ở xã hội. Từ đó, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân bị thu hẹp đi.
TPHCM đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), đến nay cả nước đã thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội, với 5,175 triệu m2 sàn xây dựng đạt 41,4% kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2015-2020 và đã có khoảng 100.000 hộ tạo lập được nhà ở xã hội.
Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp 1.162 tỷ đồng để thực hiện cho vay mua nhà ở xã hội. Đến hết tháng 5/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ cho vay nhà ở xã hội 3.041 tỷ đồng với 9.260 khách hàng trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, TPHCM có 203 khách hàng được vay 92,1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để mua nhà, từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tháng 4/2020, sau khi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quyết định bố trí 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó phân bổ 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, phân bổ cho 04 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để thực hiện ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội.
Theo HoREA, TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện đồng bộ.
TPHCM đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, điển hình như các công ty Nam Long, Lê Thành, Đầu tư Thủ Thiêm, Thuận Kiều, Vạn Thái, Thiên Phát, Sài Gòn Res, Hoàng Quân, Phú Cường, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn...
Đặc biệt, Công ty Lê Thành, Công ty Thiên Phát, đã đầu tư các dự án nhà ở xã hội 100% cho thuê, bằng nguồn vốn tư nhân; Công ty Nam Long hỗ trợ 2% lãi suất vay trong 2 năm cho người mua căn hộ trong dự án nhà ở xã hội của Công ty (Người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm trong 15 năm, vì không tiếp cận được lãi suất ưu đãi).
Một nguồn lực quan trọng trong xã hội là đã có nhiều cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ, hoặc dành phòng cho thuê, đã giải quyết được khoảng trên dưới 60% nhu cầu thuê nhà của công nhân, lao động và người nhập cư.
“Do các doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ vốn, để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện dự án nhà ở xã hội, mà không có sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi, nên kết quả bị hạn chế.
Hệ quả của việc phải vay tín dụng với lãi suất thương mại (trên dưới 10%/năm), dẫn đến giá thành nhà ở xã hội tăng cao, như một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội năm 2019, có giá bán lên đến 20 triệu đồng/m2”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.
Ông Châu còn cho biết thêm, cũng do thiếu nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, người thuê mua nhà ở xã hội cũng phải vay với lãi suất thương mại, khoảng trên dưới 10%/năm, để mua nhà, nên gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Huỳnh Thị Thu (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ, rất có nhu cầu mua nhà ở xã hội để có thể an cư lạc nghiệp sau 10 sinh sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên, việc tiếp cận để mua nhà ở xã hội vô cùng khó khăn, khâu thủ tục và vay ngân hàng là rào cản vô cùng lớn hiện nay.
“Hiện nay mua nhà ở xã hội cũng đã khó rồi chứ đừng nói chi mua nhà thương mại. Vì giá nhà ở xã hội liên tục tăng trong vài năm qua, nên nhiều người có thu nhập trung bình và có gia đình như tôi không thể theo kịp. Chưa kể, các dự án nhà ở xã hội ngày càng ít đi dẫn đến giá về sau sẽ càng tăng lên nữa…”, chị Thu cho hay.
Quế SơnPhó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.