Khoảng 109.000 tỷ đồng miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất trong 7 tháng

Tài chính - Đầu tư
09:19 AM 10/08/2023

Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí... đã miễn, giảm, gia hạn từ đầu năm đến hết tháng 7/2023 ước tính đạt khoảng 109.000 tỷ đồng.

Trong tháng 7, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7/2023 đạt khoảng 109.000 tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 31.600 tỷ đồng; gia hạn khoảng 77.400 tỷ đồng).

Theo báo cáo Bộ Tài chính công bố ngày 9/8, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 65,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 59,2% dự toán); không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 62,5% dự toán, giảm 1,4% so với cùng kỳ.

Khoảng 109.000 tỷ đồng miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất trong 7 tháng - Ảnh 1.

Miễn, giảm, gia hạn 109.000 tỷ đồng tiền thuế trong 7 tháng đầu năm. (Ảnh minh hoạ)

Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) ước đạt 63,4% dự toán, tăng 2,7% so cùng kỳ; tuy nhiên, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định, thì số thu của 03 khu vực này chỉ bằng 90,3% cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 8/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng chi cân đối NSNN tháng 7 ước đạt 158.400 tỷ đồng. Lũy kế chi 7 tháng đạt 957.000 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 267,6 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 35,49% kế hoạch, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 43,2% (tăng khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 giải ngân đạt 186,9 nghìn tỷ đồng, bằng 31,61% kế hoạch, bằng 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 59,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 0,8% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 629,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán, tăng 5,8% so cùng kỳ.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 26/7/2023, đã thực hiện phát hành gần 208.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,37 năm, lãi suất bình quân 3,54%/năm.

Về cơ chế chính sách, trong tháng 7/2023, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc áp dụng thuế tổi thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10% Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%

Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.