Khoảng 14 triệu người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VNeID
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), tính đến ngày 24/5, đã có khoảng 14 triệu lượt người dân tham gia góp ý trực tiếp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VNeID.
Việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được tiến hành trong một tháng, bắt đầu từ 6/5 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), tính đến ngày 24/5, đã có khoảng 14 triệu lượt người dân tham gia góp ý trực tiếp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VNeID.

Đến 13h ngày 24/5, đã có khoảng 14 triệu người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VNeID. Ảnh minh họa: Internet
Số ý kiến nhận được lớn hơn nhiều so với con số trên, vì còn nhiều phương thức góp ý khác. Tuy nhiên, bà lưu ý, các ý kiến cần được tính đếm và tập hợp đúng cách. Cụ thể, không tính đếm ý kiến chỉ được phát biểu tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo; không tính ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, bộ, ngành, địa phương.
“Nếu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động muốn góp ý bằng văn bản thì cơ quan, đơn vị hướng dẫn các cá nhân cán bộ, công chức, viên chức gửi văn bản góp ý về cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính nêu rõ.
Việc cộng dồn số liệu được thực hiện theo hướng từ dưới lên. Ví dụ như UBND cấp xã tổng hợp số liệu từ các thôn, tổ dân phố, HĐND xã, tổ chức đảng ở xã…; UBND cấp huyện cộng số liệu của các xã trong huyện và số liệu của các tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp huyện; sau đó UBND cấp tỉnh cộng số liệu từ các huyện trong tỉnh và các tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh.
UBND tỉnh không tổng hợp đối với các ý kiến từ tòa án nhân dân, viện kiểm sát, cơ quan ngành dọc trung ương tại địa phương, cũng như không tổng hợp ý kiến góp ý trên VNeID, vì đây là nhiệm vụ của Bộ Công an. Nhân dân chỉ thực hiện góp ý trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Các cổng thông tin điện tử của địa phương không thực hiện lấy ý kiến và UBND tỉnh cũng sẽ không tổng hợp đối với các ý kiến từ nguồn này.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho hay qua theo dõi nhận thấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân góp ý khá tập trung và trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung.
Như nội dung quy định sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp khi thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cách thiết kế quy định về đơn vị hành chính tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013 (nên quy định khái quát hay cụ thể về đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Cân nhắc việc giữ quy định "việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" vì quy định này vừa qua được thực hiện rất tốt, phát huy dân chủ, hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lấy ý kiến nhân dân.
Cân nhắc việc giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân vì đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước…
Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng" - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết.
Huyền My (t/h)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.