Khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được "bơm" vào nền kinh tế năm 2024

Ngân hàng
12:22 PM 06/01/2024

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Thông tin này được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Chính phủ, chiều 5/1.

Ông Tú thông tin, đến 31/12/2023 tăng trưởng tín dụng cán mốc 13,71%, thấp hơn mục tiêu cả năm (14-15%). Khoảng 1,3 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong năm ngoái.

Số liệu hồi đầu tháng 12/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng 9,15%. Như vậy, trong vòng một tháng, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng tới 4,56%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 được cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra là 15%, và đã được giao cho các ngân hàng ngay đầu năm.

Với tổng dư nợ nền kinh tế đến cuối năm ngoái là 13,5 triệu tỷ đồng, Phó thống đốc Đào Minh Tú ước tính, sẽ có thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế năm 2024.

Phó thống đốc: Khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được "bơm" vào nền kinh tế năm 2024- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo của NHNN ngày 3/1/2024. (Ảnh: VGP)

Lãnh đạo NHNN khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Về cơ sở để tính toán giao chỉ tiêu, Phó Thống đốc NHNN cho biết, dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2024 bằng dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 cộng điểm xếp hạng năm 2022 nhân 3,5%, nhân dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 trừ đi dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2023; trừ các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu ở Mục thứ nhất trong suốt năm 2024. Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng.

"Nợ xấu nội bảng tăng cao. Nợ nguy cơ thành nợ xấu cũng cao. Những yếu tố này đặt ra thử thách với năm 2024", lãnh đạo NHNN chia sẻ.

Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Liên quan tới thị trường chứng khoán, tại họp báo, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính cho biết hiện có trên 7 triệu tài khoản. Quy mô vốn hoá thị trường 6 triệu tỷ, tăng 9,5% so với 2022, tương đương 62% GDP 2022.

2023 là năm triển khai nhiều biện pháp tái cấu trúc thị trường, thanh lọc các công ty chứng khoán, quản lý quỹ yếu kém. Bộ này đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty vào diện kiểm soát và 2 đơn vị diện cảnh báo.

Ông Chi cho rằng, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu, phản ánh chất lượng nền kinh tế. Với các giải pháp đảm bảo các cân đối vĩ mô bền vững, tăng trưởng ổn định năm nay, ông nói sẽ là nền tảng cho thị trường chứng khoán phát triển tốt.

"Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành an toàn, giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2030, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường vào 2025. Thứ trưởng Chi cho hay, năm nay Bộ Tài chính sẽ chủ động triển khai các giải pháp để sớm đạt tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.