Khoảng 30 chuyến bay không thể hạ cánh do sương mù dày đặc ở miền Bắc
Do sương mù bao phủ đậm đặc Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nên nhiều chuyến bay đến các cảng hàng không phía Bắc như Nội Bài và Vinh không thể hạ cánh lúc tối muộn ngày 17/2 mà phải chuyển hướng đến sân bay Vân Đồn hoặc Đà Nẵng.
- Cảnh đông nghẹt ở Phú Quốc dịp Tết: Đón 80.000 lượt khách, hơn 360 chuyến bay, khách sạn - resort full phòng, địa điểm ăn uống kín chỗ
- Hành khách trắng đêm vật vờ tại sân bay Tân Sơn Nhất vì chuyến bay delay suốt 12 tiếng: Lấy giày làm gối, áo làm chiếu
- Các chuyến bay thường lệ đầu tiên từ châu Âu chính thức đến Việt Nam sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sương mù dày đặc tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã khiến nhiều chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay Vinh, Nội Bài, Cát Bi. Duy chỉ có Vân Đồn có thể tiếp nhận chuyến bay lúc tối muộn.
“Sương mù bao phủ nhiều nơi ở miền Bắc khiến các sân bay không tiếp nhận được máy bay hạ cánh. Tại sân bay Nội Bài tầm nhìn chỉ đạt từ 700 đến 800m, trần mây từ 50m - 60m, gió đông bắc tốc độ 1 đến 2m/giây. Trần mây quá thấp, dưới tiêu chuẩn an toàn, chỉ cho phép máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài, không thể tiếp nhận máy bay hạ cánh", lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.
Được biết, có khoảng 30 chuyến bay nội địa và quốc tế đến các sân bay phía Bắc phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay các sân bay khác như Huế, Đà Nẵng.
Ngoài Nội Bài, sương mù và trần mây thấp cũng khiến sân bay Cát Bi, sân bay Vinh không tiếp nhận được máy bay hạ cánh. Một số chuyến bay đến 2 sân bay này phải chuyển hướng về sân bay Đà Nẵng hạ cánh.
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) có thời điểm cũng bị ảnh hưởng sương mù, không tiếp nhận được máy bay nhưng sau đó, có lúc sương mù giảm nên tiếp nhận một số chuyến bay hạ cánh trong tối 17/2.
Lý giải việc sân bay Vân Đồn cùng ở miền Bắc và chịu ảnh hưởng thời tiết xấu, sương mù nhưng sân bay Vân Đồn vẫn tiếp nhận được một số ít chuyến bay hạ cánh, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết nguyên nhân là do phụ thuộc vào gió.
"Tại Vân Đồn có gió mạnh hơn nên đẩy được sương làm trời quang đủ tầm nhìn hạ cánh, trong khi sân bay Nội Bài gió nhẹ, tốc độ 1- 2 m/giây nên sương mù gần như lơ lửng tại chỗ gây hạn chế tầm nhìn, không đủ điều kiện an toàn để máy bay hạ cánh" - lãnh đạo Cục Hàng không cho hay .
Cập nhật thông tin chi tiết một số chuyến bay điển hình, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - cho biết, trong buổi tối 17/2, chuyến bay VN1717 chở theo 117 hành khách từ Nội Bài đi Vinh nhưng không thể hạ cánh đã buộc phải quay lại Nội Bài. Hành khách phải rời máy bay vào nhà ga chờ thời tiết tại Vinh tốt sẽ bay tiếp. Chuyến bay VN1266 từ Tân Sơn Nhất đi Vinh cũng đã buộc phải hạ cánh tại Nội Bài chờ thời tiết tốt để bay trở về Vinh.
Theo ông Phương, khoảng 23h, hành khách của 2 chuyến bay VN1717 và VN1266 được hãng phục vụ ăn uống và bố trí xe chở về khách sạn để ngày 18/2 bay đi Vinh.
Ngoài ra, một chuyến bay từ Nhật bản do không hạ cánh được tại Nội Bài, tổ bay đã quyết định quay trở lại Nhật Bản.
Trong khi đó, một số chuyến bay quốc tế khởi hành từ Nội Bài cũng phải huỷ do tàu bay không về kịp khi thời tiết xấu, hãng hàng không buộc phải đưa hành khách về khách sạn, chờ bay lại vào 18/2.
Theo giới chuyên môn, sương mù và mây thấp là tình trạng thời tiết nguy hiểm đối với hoạt động hàng không, hiện tượng này thường xảy ra vào mùa Đông ở miền Bắc gây ảnh hưởng cho hành khách và hãng vận chuyển.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.