Khoảng 95% tổng lượng phát thải do vận chuyển hàng hóa đường bộ

Kinh doanh
11:00 AM 14/02/2025

Để giảm phát thải trong logistics, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ vận tải xanh như nghiên cứu và đầu tư vào xe điện, xe tải hybrid và các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu.

Tại hội thảo “Logistics xanh - đích đến bền vững” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, ông Phạm Thiên Ân - chuyên gia khí nhà kính cho biết, logistics tại Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. Khoảng 75% hàng hoá vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trên 10% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển, còn lại là đường sắt và hàng không. 

Khoảng 95% tổng lượng phát thải do vận chuyển hàng hóa đường bộ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Tuy nhiên, có đến khoảng 95% tổng lượng phát thải do vận chuyển hàng hóa đến từ vận chuyển đường bộ. Đó là các yếu tố như: phương tiện có công nghệ cũ hoặc do ít bảo trì dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; tải trọng chưa tối ưu, quá ít hoặc quá tải đều gây lãng phí; quãng đường chưa tối ưu theo phương tiện; cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chất lượng mặt đường tại một số khu vực chưa tốt...

Ngoài các yếu tố trên, đóng gói, bao bì; tiêu thụ điện tại văn phòng; sử dụng giấy tờ truyền thống; hoạt động thu hồi, vận chuyển, tái chế, xử lý hàng hóa bị trả lại, hàng hóa lỗi…. cũng là một trong số các yếu tố gây lãng phí năng lượng, gây ra ô nhiễm môi trường.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Khoa cho biết, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm. Đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Để giảm phát thải trong logistics, các chuyên gia tham gia hội thảo đều cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phần mềm, AI để tối ưu hóa quãng đường, lượng hàng hóa; thường xuyên quan tâm đến việc bảo trì định kỳ phương tiện, để tối ưu hoặc duy trì hiệu suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu; ưu tiên xe điện, sử dụng xe dùng nhiên liệu sinh học, CNG, LPG như giải pháp chuyển tiếp; sử dụng kết hợp đa dạng phương thức vận tải… 

Đồng thời, ngành logistics nên triển khai các giải pháp logistics thông minh, tối ưu hóa hệ thống quản lý lưu trữ, giảm lãng phí năng lượng; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để cùng chuyển đổi xanh;…

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa yêu cầu bức thiết về xanh hoá trở thành “động lực”, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Muốn vậy, doanh nghiệp phải cập nhật những xu hướng, tiêu chuẩn mới của thế giới, hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, tối ưu chi phí vận hành, số hoá hoạt động, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là một trong 3 thị trường bất động sản dẫn đầu khu vực Việt Nam là một trong 3 thị trường bất động sản dẫn đầu khu vực

Theo báo cáo triển vọng vùng năm 2025 của Knight Frank khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam vươn lên thành 1 trong 3 thị trường mới nổi dẫn đầu trong năm 2025, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia về tốc độ phát triển công nghiệp và đầu tư.