Khởi công xây dựng Đường Vành đai 3 TP.HCM
Tại buổi lễ khởi công 3 dự án đường cao tốc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trung ương sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án xây dựng đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025.
UBND TP.HCM; UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức lễ khởi công: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 vào ngày 18/6.
Đến dự và bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, có Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các nguyên Bí thư Thành ủy và nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM các thời kỳ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.
Tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã sơ lược một số thông tin về 3 dự án. Theo đó, cả 3 dự án nêu trên được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại 3 Nghị quyết vào ngày 16/6/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, với tổng chiều dài 76,35km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km); các tỉnh: Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km); được chia làm 8 dự án thành phần (DATP), gồm: 4 DATP xây dựng; 4 DATP bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại 4 tỉnh, thành (mỗi tỉnh, thành thực hiện 2 DATP: xây dựng; bồi thường giải phóng mặt bằng).
Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/giờ; đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/giờ. Quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe), đầu tư không liên tục. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đoạn dự án đi qua TP.HCM, có tổng chiều dài 47,35km, đối với DATP 1 có tổng mức đầu tư hơn 22.411 tỷ đồng. Trong đó có 50% vốn NSTW và 50% vốn ngân sách TP.HCM. Dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 5/2023, khởi công xây dựng ngày 18/6/2023.
Đối với DATP 2, đoạn qua TP.HCM phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tổng diện tích 410,439 ha, tại TP Thủ Đức (99,814 ha), huyện Hóc Môn (98,892 ha), huyện Củ Chi (65,269 ha), huyện Bình Chánh (145,908 ha); tổng mức đầu tư 18.975,438 tỷ đồng, trong đó 50% vốn NSTW và 50% ngân sách TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đến nay đã giải phóng mặt bằng được 356 ha/410 ha (đạt 87%). Trong đó, TP Thủ Đức thu hồi 72,8 ha/99,8 ha (đạt 73%), huyện Củ Chi thu hồi 54,2 ha/65,3 ha (đạt 83%), huyện Bình Chánh thu hồi 134,3 ha/145,9 ha (đạt 92%) và huyện Hóc Môn thu hồi 94,0 ha/98,9 ha (đạt 95%).
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với Trung ương là sẽ hoàn thành Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, hoàn thành trong năm 2026. Do đó, đề nghị các địa phương (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) cùng các đơn vị liên quan hãy cùng nhau phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện dự án.
"Kính mong nhân dân, các tổ chức, các hộ gia đình tiếp tục ủng hộ, đồng hành, hãy cùng là đồng tác giả của công trình trọng điểm này - Con đường của "ý Đảng, lòng dân" - Đường Vành đai 3 TP.HCM. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư các công trình trọng điểm tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bộc bạch.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, đường Vành đai 3 có chiều dài hơn 76,35km, tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, mỗi Km đường tương đương 1 tỷ đồng; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hơn 17.800 tỷ đồng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuộc hơn 21.900 tỷ đồng. Tổng chiều dài của 3 dự án trọng điểm nêu trên khoảng 247km, tổng vốn đầu tư của 3 dự án khoảng 115.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định ưu tiên phát triển giao thông, trong đó tập trung phát triển đường cao tốc, sân bay…, nhằm phát triển kinh tế xã hội. Trong khỏng 20 năm (giai đoạn 2000 - 2021), chúng ta chỉ mới xây dựng và khai thác 1.163km cao tốc, do vốn ít, vướng cơ chế chính, nhưng cũng đáng tự hào dù chưa nhiều.
"Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải có 5.000km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2025 chúng ta phải đạt ít nhất 3.000km, như vậy giai đoạn 2021-2030 phải triển khai đầu tư xây dựng gấp 4 lần của giai đoạn 2000-2021. Số km cao tốc đã đạt được là kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai giai đoạn 2 đúng hướng, hiệu quả hơn", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ nhiệm kỳ trước đến nay đã khởi công và hoàn thành được 566km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 1.729km. Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng ta khởi công thêm 1.756km, với nhiều tuyến cao tốc trên cả nước. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực quyết liệt, vào năm 2025 chúng ta cơ bản hoàn thành trên 3.000km đường cao tốc, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.
"Hiện nay, chúng ta giải quyết được bài toán cả nước có đường cao tốc. Ngoài trục Bắc-Nam, chúng ta phát triển luôn trục Đông-Tây nhằm phát triển kinh tế các vùng miền; đảm bảo đồng bộ, thông suốt, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 vùng miền. Đặc biệt, 3 dự án khởi công hôm nay là các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Đó là: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho các địa phương tự chủ; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực kết hợp NSTW với NSĐP; tăng thu, tiếp tiệm chi để tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông; nguồn vốn đầu tư trung hạn (2021-2025) tập trung vào cao tốc; các nguồn vốn hợp pháp khác; vốn do chương trình phục hồi (tổng số tiền gần 500.000 tỷ đồng) để đầu tư trong nhiệm kỳ này; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn các nhà thầu thi công nhằm rút ngắn thời gian đấu thầu, rút ngắn thời gian thi công", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo chậm nhất vào ngày 31/12/2023, các tỉnh thành phải phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng. Đặc biệt, cần quan tâm công tác tái định cư để người dân có cuộc sống ổn định, công việc mới, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Từ đó mới có sức mạnh, tranh thủ sự ủng hộ của người dân để tiếp tục triển khai những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia.
"Đề nghị bà con tiếp tục ủng hộ dự án, bàn giao mặt bằng kịp thời; các tổ chức, cá nhân phụ trách công việc cần có trách nhiệm cao hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm; không được lãng phí, không tiêu cực với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường của đất nước chúng ta; góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Để làm được những việc này, phải đảm bảo chất lượng công trình; đảm bảo tiến độ thi công; đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường; không được đội vốn, không chia nhỏ gói thầu; chống tiêu cực lợi ích nhóm từ khâu phê duyệt cho đến khâu nghiệm thu; phải đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, quyền lợi hài hòa của Nhà nước, tổ chức khen thưởng và xử lý kịp thời những tiêu cực, tham nhũng", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Lê Hải - Hoàng AnViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.