Khơi đà phục hồi cho Hàng không Việt
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa ví von ngành hàng không sau đại dịch COVID như cây thiếu nước nhưng bộ rẽ vẫn khỏe nên chỉ cần một cơn mưa rào là có thể đâm chồi, nảy lộc.
Nhiều chuyên gia khẳng định, hàng không Việt nên tập trung vào thị trường nội địa
nhưng cũng nên tính đến phương án đón khách quốc tế.
Chiều nay, Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" được tổ chức dưới sự phố hợp của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức tại FLC Quy Nhơn.
Hàng không như... cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn khỏe
Nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế hướng ngoại nên sự phục hồi của ngành hàng không sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phục hồi chung của ngành kinh tế.
Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế cho biết cách đây 10 hôm, ông tham gia giải du lịch bóng đá quốc gia do Bamboo tài trợ, hình ảnh của cuộc thi khiến cả thế giới kinh ngạc, thèm thuồng. Bởi trong thời kỳ dịch bệnh nhưng đất nước Việt Nam lại quá yên bình, an toàn.
Qua thời kỳ bình thường mới, ngành du lịch khi đó mới trỗi dậy, cất cánh thực sự. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Với ngành hàng không, không chỉ có máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm vì vậy khi có khó khăn các dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với ngành để hỗ trợ ngành phát triển.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng các hãng hàng không không nên giảm giá một cách... vô tội vạ.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lại có quan điểm khá lạc quan khi ông chia sẻ, ngày 29/5, ông Nghĩa tới FLC Quy Nhơn và thấy mọi người "check-in" rất đông, số lượng phòng chật kín. Điều này chứng minh Việt Nam là điểm đến an toàn. "Ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi”, ông Nghĩa nói.
Trong bối cảnh bình thường mới, ông Nghĩa bày tỏ hy vọng, tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc.
“Ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy. Tiếp theo, chúng ta cũng cần phải thay đổi trật tự ngành hàng không, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay...”, ông Nghĩa nhấn manh.
Hướng đến thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á
Cũng theo ông Nghĩa thị trường du lịch nội địa đã khai thác ở mức độ nào đó. Khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên giảm giá vô hạn. Ngoài giảm giá, ngành du lịch còn phụ thuộc vào lịch học sinh nghỉ hè dài vì người Việt đi du lịch theo lịch học của trẻ con, nhiều gia đình đi du lịch vì chiều con là chính.
Trong khi đó, du lịch với khách quốc tế gắn với di sản văn hóa. Hiện nay, những điểm đến du lịch di sản dành cho khách quốc tế vắng khách. Ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được.
Dự đoán tăng trưởng doanh thu du lịch năm nay tăng 1,6-1,9%, năm sau tăng 9% như vậy chúng ta không khủng hoảng. Nhưng chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng mất ba đến 10 năm đễ phục hồi kinh tế thế giới.
"Chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, và mới đến châu Âu để phát triển du lịch. Chúng ta có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn. Nhưng khách du lịch nước ngoài liệu có chấp nhận quy trình kiểm tra như vậy? Vì họ phải được tự do di chuyển, muốn đi để thăm thú di sản, tìm hiểu văn hóa", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Đồng thời, ông Nghĩa cũng cung cấp thêm thông tin rằng, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.
Ở góc nhìn cơ quan quản lý nhà nước, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn... Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng.
Ví dụ như đường bay Côn Đảo, Cục dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, vào một ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo. Tần suất như vậy quá lớn chỉ trong thời gian rất ngắn, trong 4 tuần từ khi hoạt động trở lại.
"Còn các điểm khác của chúng ta, hiện các chuyến bay quốc tế chưa có, chúng ta dành điều kiện đáp ứng nhu cầu nội địa, cho phép mở các hãng hàng không mới của Việt Nam. Hiện chúng ta có Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways. Sau nới lỏng cách ly xã hội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways có đề xuất mở đường bay mới, nối liền các địa phương với nhau từ Hà Nội sau đó là TP HCM", ông Cường nói.
"Hiện, các sân bay trong cả nước, hành khách đi lại rất đông. Hàng không Việt không chết yểu vì dịch bệnh, luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Vì thế, chúng ta cần bàn thảo để xác định những khó khăn trước mắt cũng như tìm ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Làm thế nào để hàng không luôn sẵn sàng mở cửa để đón du khách nước ngoài đến Việt Nam", ông Cường nói.
Như ví von của ông Nghĩa, hi vọng các cơ quan chức năng sẽ tạo ra "cơn mưa rào đủ lớn" để hàng không tiếp tục đâm trồi, nảy lộc.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.