Khơi dậy khát vọng thoát nghèo ở huyện vùng cao biên giới Yên Minh
Nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang là cơ hội vàng đối với các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang là minh chứng cho việc triển khai hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa sinh kế và khơi dậy khát vọng thoát nghèo của người dân.
Giảm nghèo nhờ dân vận khéo trong phát triển kinh tế
Về huyện Yên Minh - huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, chúng tôi cảm nhận rõ sự "thay da, đổi thịt" của vùng đất nơi đây. Dọc vùng biên giới những ngôi nhà kiên cố, nhà xây mới lợp mái tôn khang trang, nổi bật giữa núi rừng. Nhiều mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân địa phương ngày được nâng lên.
Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Yên Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân để thực hiện hiệu quả chương trình. Trong đó, huyện đã huy động và ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá… Tích cực tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của chương trình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp dân, sinh hoạt hội, đoàn thể…
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác "Dân vận khéo" đã đã khích lệ nhân dân thay đổi về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, tích cực tham gia các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Thay vì thói quen canh tác cũ, các hộ dân đã chuyển sang các mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, với nhiều sản phẩm đặc trưng thu hút du khách đến tham quan, mua sắm... Hiện, Yên Minh đã hình thành vùng sản xuất lạc hàng hóa tại xã Đường Thượng; vùng sản xuất cây dược liệu (hồi, sa nhân, sả) ở các xã Ngọc Long, Mậu Long; phát triển các loại cây ăn quả ôn đới (mở rộng diện tích cây xoài, xây dựng thương hiệu xoài Yên Minh)…
Với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện chăn nuôi gia súc hàng hóa theo hướng an toàn sinh học, huyện Yên Minh còn tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình. Các hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
Hiện các dự án đang được thực hiện hiệu quả, các hộ tham gia có trách nhiệm với việc chăm sóc vật nuôi của dự án hỗ trợ nên đàn gia súc phát triển tốt, giúp người nghèo có phương tiện sản xuất, sức cày kéo, phân bón, tạo việc làm, có sản phẩm giá trị cao để bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Cùng với công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất, hàng năm, chính quyền địa phương còn rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để giúp đỡ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ được tiếp cận vay vốn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho hộ nghèo vay 49.281 triệu đồng cho 807 khách hàng; cho vay hộ cận nghèo 14.089 triệu đồng cho 229 khách hàng, góp phần giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Hộ gia đình ông Sùng Văn Tuấn ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, nhờ được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản nên từ hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo.
"Nuôi bò sinh sản rồi bán lấy tiền để quay vòng và đầu tư thêm chăn nuôi khiến kinh tế gia đình tôi ổn hơn. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo thật rồi! Tôi và vợ đã bàn bạc tự nguyện viết đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo", ông Tuấn vui vẻ cho biết.
Bên cạnh đó, huyện Yên Minh còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 6 tháng qua, số lao động được giải quyết việc làm mới là 1.860/3.000 lao động đạt 62% so với kế hoạch giao; trong đó, số lao động làm việc tại địa phương là 129 lao động; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 1.731/2.700 lao động đạt 64,1% kế hoạch giao.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả giảm nghèo
Thực tế cho thấy, các chính sách giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống; các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin… cơ bản được đáp ứng. Người dân cũng đã chuyển đổi nhận thức và ý chí, quyết tâm vượt nghèo, tự nguyện tham gia dự án, nhờ đó đã khai thác tiềm năng, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững; đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao thêm kiến thức quản lý, điều hành các dự án.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Hết năm 2023, huyện Yên Minh giảm được 1.203 hộ nghèo (7,19%), trong đó giảm 1.160 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo (0,47%). Những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Hà Giang thực sự đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Hào hứng khi chia sẻ về những đổi thay của quê hương, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, cho biết: Những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã giúp các xã, các thôn phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nội dung của các Chương trình MTQG, nhiều tuyến đường, trường học… được đầu tư xây dựng khang trang. Giao thông phát triển không những tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, mà còn giúp nhân dân tiếp cận nhanh hơn về các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Những con đường mở ra đã góp phần mang ấm no đến với đồng bào, nhất là các thôn, xã vùng sâu, biên giới. Cùng với đó, nhiều mô hình sinh kế cũng được triển khai giúp đồng bào từng bước phát triển kinh tế bền vững.
Các chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là động lực quan trọng để huyện Yên Minh vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, biên giới.
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành và nhân dân địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện Yên Minh đã tập trung phát huy mọi nguồn lực để biến những khó khăn thành lợi thế, đồng hành cùng người dân vượt khó vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Minh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 6%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 31,5 triệu đồng/năm, nâng cao hiệu quả giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các Đề án, phương án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ, chú trọng nhân rộng các mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Hiện, trên địa bàn huyện Yên Minh đã có nhiều hộ gia đình bà con dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao... chủ động làm đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây thật sự là những tấm gương sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hành trình vươn lên thoát nghèo của người dân ở huyện vùng cao, biên giới tỉnh Hà Giang.
Trung KiênSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.