Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch: Xu hướng của nhiều người trẻ
Với mong muốn đem đến những loại thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nhiều bạn trẻ ở Đắk Lắk đã khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ.
Hơn 6 năm đi theo hướng nông nghiệp sạch, các sản phẩm của H.T Farm (phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) đã có được mức tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày, H.T Farm xuất ra thị trường từ 100 -150 kg rau, củ, quả các loại. Hoạt động của trang trại đã giúp tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại chỗ với mức lương từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng.
Anh Ngân Đức Khoa, chủ trang trại H.T Farm cho biết, để đảm bảo đủ sản phẩm cung cấp cho khách, anh đã liên kết với 3 hộ dân, chia sẻ quy trình kỹ thuật và giám sát quá trình sản xuất. Hiện trang trại đã kết nối được đầu ra ổn định với 2 đơn vị đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
“Người dân càng ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch nhiều hơn. Hiện nay, đầu ra ổn định và phát triển. Nhiều người biết đến mình nên giờ không đủ hàng để cung cấp. Do vậy, sắp tới mình tính mở rộng diện tích trồng rau và mở thêm trang trại heo và trồng cây ăn trái để đa dạng hóa sản phẩm. Liên kết với các hộ nông dân làm theo quy trình của mình và bao tiêu sản phẩm cho họ”, anh Khoa chia sẻ.
Cũng kiên trì phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ kết hợp làm du lịch, mô hình Vườn tử tế ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột đang mở rộng diện tích để tăng sản lượng rau, củ bán ra thị trường và trở thành điểm tham quan khám phá dành cho các bạn trẻ.
Anh Y Thơ HWing, thành viên nhóm xây dựng Vườn Tử tế chia sẻ, tuy mới đi vào hoạt động nhưng nhờ kết hợp sản xuất nông nghiệp với làm du lịch nên sản phẩm của Vườn tử tế đang dần được nhiều người chú ý. Nhiều khách hàng trong thành phố Buôn Ma Thuột và khu vực lân cận đã đăng ký dịch vụ giao rau tận nhà hàng tháng với mức chi phí từ 500.000 – 650.000 đồng/tháng. Với mục tiêu thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm sạch của người dân, nhóm đang hướng đến khai thác chuyên sâu hơn các sản phẩm hiện có.
“Vườn có những cách cung cấp khác cho những hộ gia đình trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Chẳng hạn như cung cấp theo các set cho các hộ gia đình. Tùy theo nhu cầu của từng hộ gia đình mà chúng tôi cung cấp theo nhu cầu của họ. Trong tương lai không xa thì tôi muốn vườn phát triển sản xuất, chuyển đổi rau củ quả thành những thành phẩm, thực phẩm khác, chẳng hạn như snack hay set đồ uống”, anh Y Thơ Hwing cho hay.
Sau gần 4 năm áp dụng hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới ở Đắk Lắk, đến nay, công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam đã mở thêm chi nhánh ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung.
Anh Phan Nguyên Bic, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam cho biết, công ty đang tiếp tục triển khai nhiều dự án, hỗ trợ lắp đặt thi công hệ thống nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, liên kết với các farm thủy canh trong khu vực để ổn định sản lượng, đảm bảo đầu ra cho rau thủy canh. Bên cạnh đó, sẽ hướng đến du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, đến gần hơn với người tiêu dùng.
“Mô hình nhà lưới có nhiều ưu điểm, sản xuất theo mô hình khép kín giúp hạn chế sâu bọ, từ đó, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nó giúp kiểm soát các yếu tố về độ ẩm, nhiệt độ hay các yếu tố khác về môi trường sinh trưởng của cây rất tốt. Sắp tới, công ty cũng triển khai nhiều dự án hướng tới công nghiệp nông nghệ cao.
Tại các khu ở Đắk Lắk cũng có nhiều dự án sắp triển khai, muốn đạt tới mục tiêu thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, nhất là ở khu vực Tây Nguyên mình, nhất là về rau xanh, rau thủy canh”, anh Phan Nguyên Bic nói.
Thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, nhất là trước thực trạng thực phẩm bẩn, thiếu an toàn đang tràn lan trên thị trường hiện nay.
Nắm bắt xu thế này, nhiều thanh niên ở Đắk Lắk đã mạnh dạn lựa chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn làm hướng đi để khởi nghiệp. Qua đó, góp phần tạo thu nhập, cải thiện kinh tế cho bản thân, đồng thời, dần làm thay đổi cách suy nghĩ và lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch của người dân.
H XíuTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.