Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, nâng lượng bán ròng trong 2 năm Covid lên hơn 81.000 tỷ đồng

Chứng khoán
01:22 PM 02/01/2022

Tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (từ đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối ngoại đã đạt ngưỡng 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.

Thị trường chứng khoán đã kết thúc năm 2021 thăng hoa bằng việc tất cả chỉ số của ba sàn đều tăng so với cuối 2020. Cụ thể, VN-Index tăng 394,41 điểm tương ứng 35,7% lên 1.488,88 điểm. Tích cực hơn, HNX tăng 133,3% lên 473,99 điểm trong khi UPCoM-Index tăng 51,3% lên 112,68 điểm.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, nâng lượng bán ròng trong 2 năm Covid lên hơn 81.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường là các nhà đầu tư trong nước. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoảng. Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 1,306 triệu tài khoản, gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020, qua đó lập kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.

Trong bối cảnh chứng khoán Việt  từng bước thiết lập những đỉnh cao mới, khối ngoại vẫn trong xu thế ngược chiều khi cả năm miệt mài bán ròng. Cụ thể, giao dịch khối ngoại trong năm 2021 ghi nhận giá trị bán ròng 62.358 tỷ đồng, trong đó bán ròng 74.313 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, còn họ mua ròng 11.955 tỷ đồng qua thoả thuận, phần nào thu hẹp đà bán ròng chung.

Đây là con số kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (18.794 tỷ đồng), thậm chí còn gấp tới 2,5 lần tổng lượng khối ngoại "xả" trong hai năm duy nhất bán ròng trong thập kỉ qua là 2016 và 2020 cộng lại. Tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (từ đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã đạt ngưỡng 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, nâng lượng bán ròng trong 2 năm Covid lên hơn 81.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong năm 2021, HPG là cái tên dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng – cao hơn mức bán ròng trên toàn thị trường trong cả năm 2020 trước đó. Cổ phiếu HPG trong năm 2021 đã ghi nhận những đợt tăng giá mạnh từ kỳ vọng hưởng lợi lớn trong bối cảnh giá thép tăng "phi mã", thị giá thiết lập mức đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cổ phiếu (phiên 28/10), có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng nhằm "chốt lời" cổ phiếu này khi thị giá đã đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm, giá cổ phiếu HPG đã quay đầu lao dốc, kết phiên cuối năm giảm khoảng 20% kể từ vùng đỉnh.

Xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại là VPB với giá trị 9.331 tỷ đồng, mạch bán ròng cũng chỉ xuất hiện trong nửa sau của năm 2021, sau khi VPBank siết "room" ngoại từ 23% về mức 15%, đồng nghĩa tính tại thời điểm đó, cổ đông ngoại cần bán ra khoảng 170 triệu cổ phần. Tuy vậy, cổ phiếu VPB vẫn bứt phá mạnh, tăng hơn 98% so với đầu năm 2021.

Trong khi đó, VNM chủ yếu bị khối ngoại bán ròng trong khoảng nửa đầu năm 2021, giá trị bán ròng cả năm ghi nhận 6.630 tỷ đồng. Cổ phiếu này ngược dòng thị trường chung, ghi nhận mức giảm 17% so với thời điểm đầu năm. Có lẽ lo ngại áp lực cạnh tranh mạnh trong ngành sữa cùng với sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh của VNM trong những năm gần đây đã khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu này.

VIC cũng là cổ phiếu "làm ngơ" với xu hướng chung khi thị giá trong năm 2021 gần như giậm chân tại chỗ, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Đây cũng là một trong cổ phiếu ghi nhận áp lực bán ròng từ nhà đầu tư ngoại mạnh với giá trị bán ròng cả năm đạt 6.129 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm còn có sự hiện diện của "ông lớn" trong ngành ngân hàng là CTG (-5.198 tỷ đồng), ngành chứng khoán là SSI (-4.098 tỷ đồng). Bên cạnh đó, NLG VÀ MSN cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 3.058 tỷ đồng và 2.560tỷ đồng.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến mạch bán ròng 7 phiên liên tiếp ngay trước thềm khép lại năm 2021 của cổ đông ngoại tại cổ phiếu CEO, trong đó có vai trò không nhỏ quỹ đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund. Thị giá midcap bất động sản này bất ngờ tăng "phi mã", trở thành một trong những cổ phiếu "nóng" nhất với mức tăng hơn 600% kể từ đầu tháng 10, từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu, do đó khả năng cao dẫn đến nhịp "chốt lời" của các nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, nâng lượng bán ròng trong 2 năm Covid lên hơn 81.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ở chiều ngược lại, Bluechip VHM dẫn đầu danh sách mua ròng khi được khối ngoại rót ròng 4.664 tỷ đồng trong cả năm nay. Theo sau là STB với giá trị mua ròng đạt 4.206 tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng này nhận được sự chú ý lớn của nhà đầu tư nước ngoài từ khoảng tháng 7/2021 với nhiều phiên liên tiếp được mua ròng trăm tỷ. Thị giá hai cổ phiếu này trong năm 2021 diễn biến khá tích cực, VHM tăng 17% sau 1 năm giao dịch trong khi STB tăng 46,3% để kết phiên cuối năm tại mức 31.500 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, FUEVFVND (chứng chỉ quỹ VFM VNDiamond ETF) cũng được mua ròng mạnh với giá trị 3.173 tỷ đồng. Với lợi thế danh mục gồm nhiều cổ phiếu hết room, FUEVFVND đã được nhiều quỹ ngoại ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh FUEVFVND, ETFs khác là FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị 1.154 tỷ đồng. Lượng mua ròng ETFs từ đầu năm tới nay có dấu ấn không nhỏ từ các nhà đầu tư Thái Lan.

Cổ phiếu ngành bán lẻ là MWG cũng được khối ngoại mua ròng 1.527 tỷ đồng ngay khi "hở room" do phát hành ESOP.

Khối ngoại sẽ tiếp tục bán ròng trong nửa đầu năm 2022, nhưng câu chuyện nửa sau sẽ tươi sáng hơn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ duy trì đà bán ròng trong nửa đầu năm 2022. Lý do đầu tiên là từ xu hướng chốt lời của khối ngoại xuất phát khi họ đã tích lũy được những cổ phiếu có giá vốn thấp từ các năm trước đó. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được phân loại là frontier market (thị trường cận biên), do đó trong cơ cấu danh mục của các quỹ vẫn được đánh giá là rủi ro, làm giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, nâng lượng bán ròng trong 2 năm Covid lên hơn 81.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco

Mặt khác, vị chuyên gia đến từ Agriseco đánh giá khả năng lãi suất trên thế giới có thể sẽ tăng lên vào năm 2022, các quỹ ngoại có thể sẽ gặp phải áp lực rút vốn khi mức lãi suất trên thị trường quốc tế tăng lên. Minh chứng về trường hợp năm 2016 khi FED nâng lãi suất điều hành, khối ngoại đã bán ròng gần 8.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là con số rất lớn đối với thanh khoản thị trường giai đoạn đó.

Cuối cùng, ông Khoa cho rằng đang có một xu hướng đầu tư lớn sau đại dịch Covid-19 trên thế giới liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng Logistics, .., trong khi đó Việt Nam đang có những bước tiến khá chậm chạp trong các lĩnh vực này do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Triển vọng nửa sau của năm 2022 sẽ tươi sáng hơn khi kỳ vọng các nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại mua ròng. Một số luận điểm chính được ông Khoa điểm tới gồm: (1) thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nâng hạng lên Emerging market (thị trường mới nổi); (2) tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút dòng vốn ngoại quay lại thị trường.

Theo quan điểm của chuyên gia, một số nhóm ngành có thể sẽ thu hút dòng vốn ngoại trong năm 2022 như: (1) Ngân hàng – đây thường là nhóm có tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư. Ngoài ra, nhóm này còn có nhiều tiềm năng tăng giá trong năm tới do mặt bằng định giá ở mức hấp dẫn, các câu chuyện đáng kỳ vọng như nới room ngoại, tăng vốn,.. vẫn đang ở phía trước.

Tiếp theo, (2) nhóm bán lẻ, tiêu dùng cũng có thể là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài do có triển vọng hồi phục tích cực sau đại dịch Covid – 19.

Cuối cùng, (3) nhóm bảo hiểm, y tế cũng sẽ là đối tượng mà khối ngoại hướng đến do đây là nhóm có nhiều động lực tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt sau khi đại dịch Covid – 19 đã khiến giới chuyên môn phải nhìn nhận kỹ càng hơn về việc đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ.

Phương Linh
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ

Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.