Khối ngoại đã bán ròng hơn 25.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán

Chứng khoán
08:40 AM 17/05/2024

Tính từ đầu năm 2024, dù chưa đầy 5 tháng nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã chính thức qua mốc 25.000 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị khối ngoại bán ròng.

Theo SSI Research, con số trên đã vượt mức 24.831 tỷ đồng trong cả năm 2023. Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi nhiều phiên vừa qua, giá trị bán ròng mỗi phiên đều sát, thậm chí vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Khối ngoại đã bán ròng hơn 25.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

Động thái trên khiến tỷ trọng sở hữu nước ngoài giảm từ 18,24% cuối năm 2023 xuống 17,89%. Điều đáng nói là việc bán ròng của khối ngoại đã kéo dài liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, ước tính hơn 44.800 tỷ đồng, và nếu mở rộng hơn, kể từ năm 2020 (năm xảy ra đại dịch COVID-19), thì mức bán ròng đã hơn 91.000 tỷ đồng.

Mặc dù khối ngoại bán ròng liên tiếp, nhưng tác động của khối ngoại vào biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm đi đáng kể. Lý do là kể từ năm 2023 khi khối khách hàng tổ chức nước ngoài (đại diện chính cho khối ngoại) thực hiện bán ròng thì nhóm khách hàng cá nhân trong nước ngược lại là đối tượng mua ròng áp đảo. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước và nhóm khách hàng cá nhân nước ngoài giao dịch khá ổn định trong cùng khoảng thời gian.

Theo giới phân tích, chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ và tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới xu hướng của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.

Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đang là thành phần giao dịch chi phối và năng động nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là trụ đỡ thay thế và hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn tổ chức nước ngoài bán ròng.

Dưới góc nhìn tích cực, một số ý kiến cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung.

Như chuyên gia của CTCP Chứng khoán DSC cho rằng, thời gian qua, lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu ở một số cổ phiếu nhất định với những thỏa thuận mua bán của những tổ chức từ trước, không hẳn mức bán ròng tệ như giá trị bán ròng chung.

Về trung và dài hạn, xu hướng khối ngoại vẫn phụ thuộc vào câu chuyện tỷ giá, tỷ giá hạ nhiệt thì họ mới quay trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn. Ngược lại, họ chỉ mua ròng ở một vài cổ phiếu, áp lực bán ròng thậm chí mạnh hơn.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của khối nhà đầu tư nội. Do đó, nhà đầu tư nội vẫn đang “ngóng” những hành động của khối ngoại để từ đó đưa ra chiến lược cho việc đầu tư của mình.

Khối nội làm trụ đỡ giúp tăng sức mạnh cho nội tại nền kinh tế mở ra triển vọng tích cực cho TTCK Việt Nam, đặc biệt là tiến trình nâng hạng thị trường đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn, điều này sẽ tạo ra sự hấp hấp thu hút dòng vốn ngoại chảy vào nhằm đón sóng nâng hạng.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.