Khối ngoại đảo chiều mua ròng
Sau 30 phiên bán ròng liên tiếp, giao dịch khối ngoại cân bằng trở lại khi họ mua ròng trở lại.
Chốt phiên 22/11, VN-Index giảm nhẹ hơn 0,2 điểm về 1.228,1 điểm. Toàn sàn có 213 cổ phiếu giảm, không chênh lệch quá lớn so với 151 cổ phiếu tăng giá.
Thanh khoản nhích nhẹ thêm khoảng 580 tỷ lên gần 12.760 tỷ đồng. Đây tiếp tục là một phiên giao dịch trầm lắng khi nhà đầu tư vẫn chờ đợi thêm tín hiệu rõ nét để xác định xu hướng.
Điểm sáng là khối ngoại trở lại mua ròng sau 30 phiên xả hàng liên tục. Tuy nhiên giá trị mua ròng chỉ 31 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ HDG và TCB.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại mua ròng 31 tỷ đồng. Tại chiều mua, cổ phiếu HDG được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị hơn 242 tỷ đồng. Theo sau, TCB và FPT là hai mã tiếp theo được gom 106 và 60 tỷ đồng. Ngoài ra, CTG và MWG cũng được mua lần lượt 52 và 43 tỷ đồng.
Ngược lại, SSI và VCB chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 82 và 58 tỷ đồng. Theo sau, HPG và VPB cũng bị "xả" 47 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 6,5 tỷ đồng. Tại chiều mua, DHT được mua ròng mạnh nhất với giá trị 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VFS xếp tiếp theo trong sách mua ròng mạnh trên HNX với 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng chi vài tỷ đồng để gom ròng VGS, TIG, VC3.
Chiều ngược lại, PVS là mã chịu áp lực bán ròng của khối ngoại với giá trị gần 47 tỷ đồng; theo sau HUT, CEO, SHS bị bán vài tỷ đồng.
Trên UPCOM, khối ngoại bán ròng 6,5 tỷ đồng. Chiều mua, cổ phiếu HNG được khối ngoại mua 7,4 tỷ đồng. Theo sau, MCH và VGT cũng được mua ròng mỗi mã vài tỷ đồng. Ngược chiều, CST bị khối ngoại bán ròng 0,3 tỷ đồng. Ngoài ra khối ngoại cũng bán ròng tại GDA, BVB,...
Theo thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ngoại trừ tháng 1/2024, khối ngoại đã bán ròng 19/20 tháng qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 88.000 tỷ đồng, một con số kỷ lục buồn kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán đến nay.
Đà bán ròng triền miên của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND có sự gia tăng trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, trong những phiên giữa tháng 11, thị trường chứng kiến đợt sụt giảm mạnh đi cùng sự biến động của tỷ giá.
Ngoài yếu tố tỷ giá, các chuyên gia cũng cho rằng, nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn một số vướng mắc chưa thu hút khối ngoại, nhất là khi câu chuyện về hệ thống giao dịch mới KRX, hay nâng hạng thị trường… vẫn còn đang bỏ ngỏ. Thị trường Việt Nam hiện không có nhiều lựa chọn mới để đáp ứng với khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân một phần là do những giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại), cùng với đó là câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vẫn còn dang dở đã tạo ra những rào cản đáng kể.
An Mai (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.