Khối ngoại miệt mài gom hàng nghỉn tỷ đồng, TTCK Việt Nam đang rất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn

Chứng khoán
09:02 AM 30/01/2023

Theo nhận định của nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund, thị trường chứng khoán đang rất hấp dẫn, kỳ vọng sẽ chạm mốc 1.450 điểm vào cuối năm 2023.

Nhận định về những động lực chính tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2023, FiinGroup cho biết, có 4 yếu tố tác động đến thị trường là: Môi trường vĩ mô; triển vọng và chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp; dòng tiền trong nước; dòng tiền khối ngoại.

Về môi trường vĩ mô, theo FiinGroup, năm 2023 có 3 biến số vĩ mô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK Việt Nam, đó là Lãi suất - Cung tiền - Trung Quốc.

Triển vọng và chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm 2023 được dự báo kém tích cực. Các yếu tố tác động đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết theo FiinGroup gồm chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm trong môi trường lãi suất cao, nghẽn "dòng tiền" trong nền kinh tế. Lợi nhuận được dự báo tăng chậm lại ở ngành Ngân hàng vốn đóng góp 42% tổng LNST và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Bất động sản, Tài nguyên cơ bản, cụ thể là thép, Hóa chất.

Dòng tiền trong nước cũng sẽ có tác động kém tích cực đối với TTCK Việt Nam trong năm 2023. Lực đẩy chính cho thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỷ trọng gần 85% tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong năm 2022. Tuy nhiên, trong năm 2022 vừa qua, thanh khoản sụt giảm cộng với xu hướng lãi suất trong và ngoài nước tăng mạnh các tháng gần đây, khiến cho dòng tiền quay lại kênh tiết kiệm, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng cũng như tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống tài chính và dòng tiền vào chứng khoán.

Khối ngoại miệt mài gom hàng nghỉn tỷ đồng, TTCK Việt Nam đang rất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Theo tính toán, từ đầu năm 2023 tới hết phiên 27/1, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 3.514 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dòng tiền khối ngoại là yếu tố duy nhất được nhóm phân tích của FiinGroup đặt kỳ vọng tích cực trong năm 2023. Năm 2022 là năm kỷ lục về giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 29 nghìn tỷ đồng, và có sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền từ các quỹ ETFs (đặc biệt là quỹ Fubon FTSE Vietnam từ Đài Loan), đóng góp tới 70%.

FiinGroup kỳ vọng xu hướng mua ròng vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2023 với giả định FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và do đó không gây ra xáo trộn lớn về dòng vốn ngoại ở các thị trường cận biên/mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo FiinGroup, nền định giá thấp của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được coi là yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại tiếp tục quay trở lại.

Tuy nhiên, dù duy trì kỳ vọng tích cực nhưng nhóm phân tích của FiinGroup cũng nhấn mạnh việc phần lớn dòng tiền ETF đến từ khu vực châu Á (Đài Loan, Thái Lan) và thiếu sự ổn định là điểm cần lưu ý về dòng vốn ngoại trong giai đoạn gần đây.

Liên quan đến dòng tiền ngoại hối, theo tính toán, từ đầu năm 2023 tới hết phiên 27/1, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 3.514 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu chỉ tính trên kênh khớp lệnh thì giá trị mua ròng của khối ngoại xấp xỉ 6.500 tỷ đồng, gần bằng nửa lượng mua ròng trong tháng 12/2022 liền trước.

Nếu tính riêng từng mã cổ phiếu thì trong tháng 1/2023, khối ngoại tỏ đã chi mạnh tay cho cổ phiếu HPG khi mua ròng gần 990 tỷ đồng. Khối ngoại thậm chí ghi nhận mạch mua ròng 22/23 phiên gần nhất. Đây được xem là một trong những yếu tố tích cực hiếm hoi đối với cổ phiếu "vua thép", trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố khoản lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Các mã cổ phiếu khác cũng nhận được nhiều quan tâm phải kể đến mã cổ phiếu VIC và SSI cũng được khối ngoại "gom" tại mỗi cổ phiếu hơn 450 tỷ đồng trong gần 1 tháng qua. Thị giá VIC tăng hơn 10% so với thời điểm cuối năm 2022, tích cực hơn khi SSI tăng tới hơn 18%.

Hai chứng chỉ quỹ là FUEVFVND và FUESSVFL cũng được giải ngân mua ròng lần lượt 394 tỷ đồng và 291 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu khác như VND, VRE, CTG, VHM,... cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong hơn 3 tuần đầu năm, giá trị mua ròng đều trên 280 tỷ đồng.

Theo thống kê của Yuanta - Tập đoàn tài chính chứng khoán hàng đầu Châu Á, khả năng khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì đà mua ròng trong năm 2023 và kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên chỉ số VN-Index... Trong khi đó, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund định giá của thị trường chứng khoán đang rất hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn. Ông Petri Deryng kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.450 điểm vào cuối năm 2023.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.