Khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế. Do đó, để giúp DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, ngành công thương đang có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại nhằm giúp DN khai thác triệt để các thị trường xuất khẩu (XK) EU, Mỹ, Trung Quốc...
Phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty CP may 10. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều đơn hàng sụt giảm
Nhìn lại các hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp, thương mại, XK trong quý 1/2020, hầu như tất cả các ngành kinh tế, trong đó nhiều ngành công nghiệp quan trọng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… bị ảnh hưởng nặng nề. Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết, dịch Covid-19 ở EU và Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành dệt may, da giày Việt Nam khiến kim ngạch XK giảm 19%. Thực tế, dù nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất đã dần đi vào ổn định, các ngành sản xuất trong nước gỡ được mối lo đầu vào thì lại phải đối mặt với khó khăn về sụt giảm thị trường tiêu thụ trong nước, XK.
Hiện đa số các DN dệt may đã ổn định đầu vào, tỷ lệ phục hồi nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khoảng từ 60 - 80%. Tuy nhiên, hoạt động XK của DN dệt may đang gặp nhiều rào cản, nhất là tại các thị trường lớn như EU, Mỹ… đang tạm dừng nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho biết, hoạt động giao thương với Trung Quốc đã bắt đầu khôi phục nhưng một số thị trường XK lớn như EU và Mỹ lại đang gặp khó khăn. Nhiều DN Mỹ, EU đã thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. “Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng từ 3 - 4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại” - bà Trang nói.
Bộ Công Thương cũng dự báo, hoạt động sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ, dẫn đến tác động tiêu cực đến các đơn hàng mới của một số ngành XK chủ lực trong giai đoạn từ quý II đến hết năm 2020. “Thời gian tới, nhiều đơn hàng trong lĩnh vực điện tử có thể sụt giảm đáng kể, ngành ô tô có thể vẫn trong trạng thái hoạt động cầm chừng” - Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài nói.
Tập trung khơi thông thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch XK sụt giảm nên giải quyết đầu ra, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất của DN là vấn đề cấp bách hiện nay. Thời gian tới, ngành công thương cần ưu tiên duy trì hoạt động của các DN công nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các khoản hỗ trợ trực tiếp, từ vốn vay ngân hàng, hỗ trợ về tiền thuê đất đai... "Cần có giải pháp hỗ trợ DN công nghiệp phụ trợ vay ưu đãi, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực ưu tiên. Đưa một số ngành ô tô, dệt may, da giày vào lĩnh vực ưu tiên cao" - ông Hoài đề nghị.
Để gỡ vướng cho DN sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa, tạo thành “bệ đỡ” đầu ra sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong bối cảnh thị trường XK gặp khó khăn. Trong đó sẽ khai thác tốt thương mại điện tử, phát triển chuỗi cung ứng, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét giãn, giảm, miễn thuế với ngành như dệt may, da giày, công nghiệp điện tử... sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, đề nghị các DN cố gắng khai thác các FTA, từ đó tạo cơ hội mới cho ngành XK chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong giai đoạn khó khăn này. “Thị trường EU, Mỹ đang là thị trường cho DN XK mặt hàng quần áo bảo hộ, khẩu trang chống dịch Covid-19”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu ví dụ.
Theo KTĐT
Ngày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.