Khơi thông dòng chảy để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Thiếu vốn, yếu về nguồn nhân lực, khả năng đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao… là những nguyên nhân cơ bản khiến các doanh nghiệp logistics của Hà Nội kém sức cạnh tranh so với đối thủ có vốn đầu tư nước ngoài. Để khơi thông dòng chảy, giúp logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thành phố đã có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, kết nối vận tải, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin…
Quy mô nhỏ khiến doanh nghiệp logistics Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung không đủ nguồn lực để thu hút nhân lực chất lượng, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường. Ảnh: Lê Nam
Doanh nghiệp thiếu vốn, nhân lực yếu
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, nhân lực và kỹ năng quản trị yếu. Trong số 25.000 doanh nghiệp logistics, có khoảng 400 doanh nghiệp đang sử dụng gần 100ha đất để tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối. Song hầu hết các kho, bãi nhỏ lẻ, rời rạc, nên khả năng đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa cao. Qua khảo sát, các doanh nghiệp logistics Hà Nội mới đáp ứng được 25% nhu cầu tại địa phương, 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thị phần còn lại do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Smart logistics Việt Nam (số 203 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, quy mô nhỏ khiến doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thu hút nhân lực chất lượng, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa hiện gặp nhiều khó khăn như chi phí hoạt động cao, thiếu mặt bằng kho bãi, thủ tục hành chính còn phức tạp…
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp nước ngoài cần gói dịch vụ logistics tích hợp, tức là không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói, phân phối sản phẩm... Không đáp ứng được yêu cầu trên là lý do chính khiến doanh nghiệp trong nước lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài.
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Nước ta có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, vốn là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Trong đó, Hà Nội vừa là "đầu tàu" của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước vừa là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới, với mạng lưới đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy đồng bộ. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có 9 khu công nghiệp hoạt động ổn định, thu hút trên 600 dự án đầu tư; đang xây dựng, phát triển 89 cụm công nghiệp, phân bố đều khắp trên địa bàn. Ngoài ra, các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển sẽ chính là khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ logistics.
Khai thác cơ hội, khắc phục điểm yếu, Hà Nội đã xây dựng danh mục các dự án phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; từng bước hình thành kho, bãi quy mô lớn làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thành phố đang đầu tư xây dựng mới Cảng cạn Hoài Đức quy mô 17,75ha; Cảng cạn Gia Lâm quy mô 47,2ha; Trung tâm logistics hạng I quy mô 50ha tại huyện Sóc Sơn và Trung tâm logistics hạng II quy mô 22ha tại huyện Phú Xuyên. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã xem xét, định hướng phát triển cảng cạn kết hợp Cảng đường thủy Khuyến Lương; chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án (quy mô 46ha); 9 dự án khác cũng đang được nhà đầu tư nghiên cứu, với tổng diện tích 160ha...
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, thành phố đã ban hành kế hoạch xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh, đa phương thức, kết nối các loại hình khác nhau, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ; triển khai hệ thống “Một cửa quốc gia” và hệ thống “Quản lý giám sát hải quan tự động” tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.
Để hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức tọa đàm, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến; chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin. Hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với nhau để khắc phục điểm yếu về nhân lực, vốn; kết nối hoạt động logistics với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi giá trị khép kín. Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử theo xu hướng quốc tế…
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam góp ý: Các nhà sản xuất trên thế giới hiện chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, vì vậy hoạt động logistics của Hà Nội cần được chuyên môn hóa, đầu tư thỏa đáng về nhân lực, phương tiện, công nghệ. Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng, còn doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là hai yếu tố cốt lõi để lĩnh vực logistics được khơi thông dòng chảy, phát triển mạnh mẽ.
Theo Hà Nội mới
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.