Khơi thông dòng vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL

Tài chính - Đầu tư
03:59 PM 28/03/2025

Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024.

Báo cáo này chỉ ra rằng, sự thiếu hụt vốn đầu tư nghiêm trọng đang kìm hãm sự phát triển bền vững của miền Tây, tạo ra một "vòng xoáy đi xuống" kéo dài nhiều năm. Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.

So với 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, ĐBSCL xếp hạng thấp cả về thu hút vốn ODA (thứ 3), đầu tư công (thứ 4), FDI (thứ 5) và đầu tư tư nhân trong nước (thứ 6). Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.

Đặc biệt, dòng vốn FDI, vốn được kỳ vọng mang lại công nghệ và động lực phát triển, lại chảy vào ĐBSCL một cách nhỏ giọt. Cụ thể, năm 2024, cả vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 142 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa tới 2% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, riêng Long An góp 124 dự án với số vốn đăng ký hơn 564 triệu USD. Như vậy, con số này thua xa so với vốn FDI một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, như Bà Rịa - Vũng Tàu (1,71 tỷ USD), Đồng Nai (gần 1,9 tỷ USD), Bình Dương (gần 1,95 tỷ USD).

Khơi thông dòng vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nếu xét về bình quân đầu người, vốn FDI tại ĐBSCL đạt mức xấp xỉ 1 triệu đồng/người vào năm 2023. ĐBSCL chỉ đứng thứ 5 trong số 6 vùng kinh tế vốn đầu tư FDI bình quân đầu người, và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên.

Một động lực tăng trưởng khác là đầu tư tư nhân lại suy giảm. ĐBSCL là vùng có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân thấp nhất cả nước trong giai đoạn 2014-2023. ĐBSCL cùng với Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là 3 khu vực có tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân so với cả nước sụt giảm trong 10 năm trở lại đây.

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, cũng đã chỉ ra một số rào cản đang cản trở dòng vốn đầu tư chảy vào ĐBSCL. 

Theo đó, hạ tầng giao thông và logistics yếu kém là một trong những nguyên nhân hàng đầu. 

Thiếu hụt lao động có tay nghề cũng là một vấn đề nghiêm trọng, khi ĐBSCL có tỷ lệ di cư cao và trình độ đào tạo thấp.

Rủi ro từ biến đổi khí hậu, với những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, làm tăng lo ngại cho các nhà đầu tư dài hạn. 

Cuối cùng, môi trường kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn, với thủ tục hành chính phức tạp, khó khăn trong tiếp cận đất đai và nguồn vốn, cũng là những yếu tố cản trở việc thu hút đầu tư.

Để khơi thông dòng vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL, các chuyên gia đề xuất một loạt các giải pháp cụ thể. Ưu tiên hàng đầu là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng với các trung tâm kinh tế lớn. 

Cần đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hệ thống logistics phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt để thu hút các dự án FDI chất lượng cao. 

ĐBSCL cũng cần cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, và năng lượng tái tạo; phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP), huy động vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông và logistics. Đồng thời, cần xây dựng mô hình nông thôn sinh thái và đô thị xanh để nâng cao chất lượng sống, thu hút nhân tài về ĐBSCL.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2025 Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2025

Trong tháng 4/2025, nhiều chính sách quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất; phân bổ vốn đầu tư công...