Khối u quái của nữ sinh 10x có đường kính 20cm, đè xẹp phổi: Tất cả vì chủ quan bỏ qua triệu chứng dễ gặp, ai cũng nên kiểm tra!
Khối u trong cơ thể cô gái 20 tuổi lớn đến mức đè đẩy tim, chèn ép làm xẹp phổi, chứa cả lông, tóc, mỡ và xương bên trong.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 20 tuổi ở Phú Xuyên – Hà Nội có khối u quái nằm trong lồng ngực gây tức ngực, khó thở. Đặc biệt, kích thước u rất lớn với đường kính khoảng 20cm nên phẫu thuật tương đối phức tạp.
TS.BS. Phan Lê Thắng – Trưởng khoa Ngoại theo yêu cầu cho biết, vị trí u nằm ở trung thất trước trên bên phải, tổ chức u có cả lông, tóc, mỡ, xương. Khối u to, đè đẩy tim, chèn ép làm xẹp phổi, dính nhiều cơ quan nội tạng xung quanh.
Ngay sau đó, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật khối u ra khỏi cơ thể. Ca mổ diễn ra thành công giúp nở phổi tăng diện tích thở cho bệnh nhân, tránh được những biến chứng nặng sau này về tuần hoàn và tim mạch nếu để u tiếp tục phát triển.
Được biết, bệnh nhân nữ từng thấy dấu hiệu tức ngực từ cách đây nhiều năm nhưng chủ quan, nghĩ rằng chỉ là các bệnh lý bình thường. Trong khi đó, nếu nữ sinh chủ động đi khám sức khỏe, qua chụp X-quang có thể phát hiện sớm, khi kích thước u nhỏ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi.
Phim chụp trước và sau phẫu thuật của bệnh nhân. Ảnh: BV Ung bướu HN
U quái là gì?
Từ trường hợp bệnh nhân trên, TS.BS. Phan Lê Thắng – Trưởng khoa Ngoại theo yêu cầu chia sẻ, bất cứ ai, bao gồm cả người cao tuổi, người trưởng thành, trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh đều có nguy cơ phát triển u quái.
U quái có tên tiếng anh là Teratoma được biết đến như một khối u được tạo do quá trình đột biến hiếm gặp, bên trong chứa các mô khác nhau như tóc, cơ, răng, xương...U quái thường xuất hiện ở các bộ phận như xương cụt, buồng trứng, tinh hoàn. Còn những nơi khác trong cơ thể sẽ hiếm hơn.
Có hai loại u quái thường gặp gồm:
Nhóm u chưa trưởng thành: Những khối u này được liệt kê vào nhóm nguy hiểm, bởi chúng có khả năng phát triển thành các khối u ác tính gây ung thư.
Nhóm u trưởng thành: Nhóm này là những khối u lành tính. Được chia thành u nang, u đặc và u hỗn hợp. Nhóm này tuy không gây ung thư tuy nhiên chúng có khả năng tái phát cao sau mỗi lần điều trị.
Triệu chứng của u quái
Ở giai đoạn đầu, khối u quái gần như không gây ra bất cứ triệu chứng điển hình nào. Đặc biệt, ở từng vị trí khác nhau mà khối u sẽ có dấu hiệu riêng biệt.
U xuất hiện vùng cùng cụt (u quái xương cụt)
U quái vùng xương cụt là thường hiện diện nơi vùng xương cụt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cùng với những triệu chứng đi kèm như: Táo bón; đau bụng; tiểu buốt hay đau rát khi tiểu tiện; chi suy yếu dần; vùng mu sưng lên.
Khối u quái sau khi được cắt bỏ. Ảnh: BV Ung bướu HN
U quái buồng trứng
Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở nữ giới làm đau quằn quại ở vùng bụng hoặc vùng khung chậu. Không những vậy, khi u quái đi kèm với những căn bệnh khác như: Viêm não tự miễn NMDA, khi đó ngoài những triệu chứng vùng dưới, bệnh nhân còn bị ảnh hưởng nặng vùng đầu như: Đau đầu dữ dội, thỉnh thoảng lú lẫn, nặng hơn nữa có thể dẫn đến loạn thần.
U quái tinh hoàn
Khi xuất hiện khối u này, tinh hoàn của nam giới sẽ sưng lên rõ rệt kèm những cơn đau buốt, khó chịu, đôi khi là chảy máu. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp tinh hoàn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Hầu hết đa số nam giới đều có khả năng mắc phải bệnh này, nhất là nhóm người từ 20 - 30 tuổi.
U quái là căn bệnh có tỷ lệ mắc không cao, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người bệnh là vô cùng nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.