Không chỉ giá dầu, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá lương thực thế giới tăng mạnh
Lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukaraine đang làm chao đảo thị trường nông sản vào thời điểm giá lương thực toàn cầu đã gần đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Không chỉ xuất khẩu dầu mỏ, Nga còn là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Ukraine cũng là nhà xuất khẩu lớn sản phẩm lúa mì và ngô. Điều đó khiến cho giá ngũ cốc đi lên một cách gập ghềnh khi các nhà đầu tư đang đánh giá khả năng xảy ra xung đột giữa 2 quốc gia này ngày một tăng cao.
Peter Meyer, trưởng bộ phận phân tích số liệu ngũ cốc tại S&P Global Platts, cho biết: "Chắc chắn có sự biến động lớn dựa trên những gì đang diễn ra".
Bất kỳ gián đoạn nào với các chuyến hàng lúa mì hoặc ngô từ Nga và Ukraine có thể làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực, đáng chú ý nhất là các khu vực trên thế giới đang chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung này.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã tăng tới 28% vào năm 2021 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay do các vấn đề về chuỗi cung ứng dai dẳng.
Ophelia Coutts, nhà phân tích Nga tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, nhận định: "Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì và ngô lớn. Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với xuất khẩu của nước này sẽ dẫn đến giá cả toàn cầu tăng vọt. Sự kết hợp giữa giá thực phẩm và năng lượng cao sẽ làm nổi lên cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và làm tăng khả năng xảy ra bất ổn dân sự ở nhiều nơi, đặc biệt là ở châu Phi và khu vực Trung Đông".
Các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu các hoạt động vũ trang xảy ra, cũng có thể gây ảnh hưởng đến thị trường. Ngay cả khi các sản phẩm nông nghiệp không phải là mục tiêu trực tiếp, việc cắt đứt liên kết với hệ thống tài chính toàn cầu cũng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Theo Tracey Allen, chiến lược gia hàng hóa nông nghiệp tại JPMorgan, Nga và Ukraine vẫn cần xuất xưởng khoảng 15 triệu tấn lúa mì từ vụ thu hoạch mới nhất của họ.
Meyer của S&P Global Platts cho rằng mối quan tâm lớn nhất của ông là nông dân Ukraine có thể không nhận được các sản phẩm cần thiết như phân bón trước mùa gieo trồng sắp tới.
Một trong những kết quả gây khó khăn nhất cho thị trường ngũ cốc là nếu các nước phương Tây quyết định cấm vận đối với xuất khẩu lúa mì của Nga. Theo các nhà phân tích của ING, quốc gia này chiếm khoảng 20% thương mại lúa mì toàn cầu. Những người mua hàng đầu của thị trường Nga bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Nhưng Magdovitz nói rằng một động thái như vậy là khó xảy ra, vì nó cũng sẽ làm tổn thương một số người đang trong tình trạng nghèo khó trên thế giới.
Tuy nhiên, các hình phạt đối với các bộ phận khác của nền kinh tế Nga, như các ngân hàng của nước này, vẫn có thể có tác động trực tiếp đối với hoạt động thương mại hàng hóa của nước này.
"Các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính (và thậm chí có thể cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT) có thể khiến hoạt động thương mại trở nên khó khăn hơn", các nhà phân tích của ING chia sẻ vào tháng trước. Họ cũng đề cập đến Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, hoặc một hệ thống đóng vai trò là đường ống dẫn cho toàn cầu tài chính .
Allen của JPMorgan nói rằng các biện pháp trừng phạt hoặc làm gián đoạn dòng chảy của lúa mì có thể đẩy giá lên 11 USD/giạ, cao nhất kể từ năm 2008. Hiện nó đang được giao dịch gần 7,93 USD/giạ. Ngô hiện nay đang giao dịch ở mức khoảng 6,47 USD/giạ, có thể đạt 8 USD/giạ trong tương lai, gần mức cao kỷ lục.
Tham khảo: CNN
Huyền MyTổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.