Không chỉ Việt Nam, người châu Âu cũng khổ sở vì giá xăng: Không dám đi xe, tài xế Uber tính bỏ nghề

Quốc tế
01:43 PM 09/03/2022

Nỗi sợ hãi dường như đã vượt qua tầm kiểm soát chính là điều mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải giải quyết trong cuộc họp tuần này.

Vốn đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao, người dân châu Âu nay lại tiếp tục đối mặt với một cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn nhiều sau khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đẩy giá bán một loạt các hàng hoá và nhiên liệu tăng cao.

Áp lực giá cả leo thang

Cùng với dầu thô trên thị trường toàn cầu, giá xăng tại một số trạm dịch vụ trên khắp châu Âu chứng kiến đà tăng mạnh nhất từ trước đến nay: có nơi trên 2 Euro cho một lít nhiên liệu không chì.

"Vấn đề không phải là giá xăng ngày mai nữa, mà là giá xăng trong 15 ngày tới đây. Chúng tôi e là nó sẽ đắt hơn nhiều. Quãng thời gian tồi tệ đang ở phía trước", Alejandro Oterino, một người đàn ông đã về hưu sống tại Madrid cho biết.

Không chỉ Việt Nam, người châu Âu cũng khổ sở vì giá xăng: Không dám đi xe, tài xế Uber tính bỏ nghề - Ảnh 1.

Giá xăng tại một số trạm dịch vụ trên khắp châu Âu đang chứng kiến đà tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Bà Christine, một giáo viên đã về hưu đang sống tại Bỉ cũng tâm sự rằng mọi kế hoạch trước đây của bà đã bị xáo trộn khi gián đoạn nguồn cung khí đốt khiến giá nhiều mặt hàng tăng cao trong hơn 1 năm qua.

"Đà tăng giá khiến chúng tôi rất lo ngại. Mỗi tháng chính phủ có hỗ trợ khoảng 100 Euro, nhưng chẳng đủ đâu. Tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc tiết kiệm điện tối đa", bà Christine Elleboudt chia sẻ. "Tôi vẫn sử dụng tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát nhưng sẽ tắt chúng trước khi ra khỏi nhà hoặc bật ít đèn hơn khi ở một mình".

Từ ngày 5/3, giá mỗi lít dầu diesel tại Bỉ lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 Euro, tăng 40% so với năm ngoái. Điều này khiến sinh hoạt người dân bị xáo trộn, đặc biệt là những lao động thu nhập thấp. Đa số đều lo ngại về khả năng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong đó, theo trang Euronews, người dân tại Đức, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Tại Bồ Đào Nha, quốc gia nghèo nhất Tây Âu với 10% dân số chỉ có mức lương tối thiểu 705 Euro, người dân đã đổ xô đi mua xăng trước khi một đợt tăng giá khác diễn ra.

"Nếu giá tiếp tục tăng, tôi có thể sẽ phải nhờ đến các khoản trợ cấp để sống qua ngày", anh Antonio Dias, một tài xế lái Uber 56 tuổi tại Lisbon cho biết. "Xăng tăng thì làm công việc này chẳng nghĩa lý gì nữa".

Không chỉ Việt Nam, người châu Âu cũng khổ sở vì giá xăng: Không dám đi xe, tài xế Uber tính bỏ nghề - Ảnh 2.

Teresa Soares, một nhân viên cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng ở thủ đô Bồ Đào Nha cũng cho biết mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng xe để giao hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chị sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí hơn. "Nếu được, có lẽ tôi sẽ gạt xe sang một bên và không lái nó đâu", chị Teresa nói.

Còn tại Đức, Tổ chức ô tô ADAC ước tính giá dầu diesel đã tăng mạnh tới 28% kể từ hôm 1/3. Giá dầu sử dụng cho các thiết bị sưởi ấm cũng phi mã do các hộ gia đình đổ xô đi mua dầu.

"Nhiều người lo sợ nguồn cung tắc nghẽn do xung đột Nga-Ukraine nên đang vội vàng đổ đầy các bình chứa dầu sưởi ấm. Trước đây, điều này chưa từng xảy ra", đại diện tổ chức cho biết.

Bóng ma lạm phát - một vòng tròn luẩn quẩn

Nỗi sợ hãi vượt qua tầm kiểm soát này chính là điều mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải giải quyết trong cuộc họp thứ Năm tới đây. Bà Christine Lagarde, Giám đốc ECB vẫn đang hy vọng mình có thể kìm hãm tỷ lệ lạm phát của khu vực Eurozone vốn đã tăng tới 5,1% trong tháng 1/2022, lần đầu tiên kể từ khi Cơ quan Thống kê Eurostat bắt đầu thu thập và công bố số liệu này vào năm 1997.

Gunther Schnabl, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Leipzig, cho biết: "Các ngân hàng trung ương đang gặp áp lực với truyền thông trong việc duy trì lạm phát ở mức thấp. Họ đang đứng trước nguy cơ bị mất uy tín với người dân".

Không chỉ Việt Nam, người châu Âu cũng khổ sở vì giá xăng: Không dám đi xe, tài xế Uber tính bỏ nghề - Ảnh 3.

Bà Christine Lagarde

Tại Anh, nhóm nghiên cứu của Resolution Foundation dự đoán xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến khủng hoảng lạm phát lan rộng sau gần nửa thế kỷ. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Italy cũng thừa nhận giá năng lượng và lạm phát tăng cao chính là rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe kinh tế nước này.

Tất cả đang làm dấy lên nhiều lo ngại về "bóng ma lạm phát" – điều mà các ngân hàng trung ương và chính phủ được cho là rất khó đối phó. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nhà hoạch định chính sách của ECB hiện vẫn đang thảo luận về việc dừng hay không các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có mà họ đã áp dụng để vực dậy Eurozone. Thắt chặt chính sách kinh tế dường như là cách duy nhất để châu Âu tránh xa một vòng lạm phát luẩn quẩn.

Theo: Reuters, Euronews

Vũ Anh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.