Không chỉ Vincom Retail và AEON Việt Nam, loạt đại gia THACO, Central, Masan… đang cùng khai phá xu hướng bán lẻ hiện đại "một điểm đến nhiều tiện ích"
"Khái niệm một điểm đến tại các TTTM ở Việt Nam – vốn đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực – sẽ tiếp tục trở nên phổ biến".
Tập đoàn Central Retail Việt Nam vừa ký kết hợp tác đầu tư phát triển ở mảng bán lẻ với Tập đoàn Kido (KDC). Theo đó, KDC sẽ đưa chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) GO!, Big C và Tops Market, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm mới.
Dự kiến ngay trong tháng 12/2021 đến trước Tết Nguyên Đán, KDC sẽ chính thức khai trương hơn 10 cửa hàng của Chuk Chuk, nằm trong các TTTM thuộc hệ thống của Central Retail. Sang năm 2022, Chuk Chuk sẽ được nhân rộng và có mặt tại tất cả các TTTM của Central Retail tại Việt Nam. Trong các giai đoạn tiếp theo của hợp tác, hai bên sẽ đồng hành với triển vọng mở rộng đưa Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu của KDC qua thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực.
Central Group đang chuyển đổi mô hình và tìm kiếm điểm nhấn
Được biết, bước đi này nằm trong chiến lược thay đổi mô hình của Central Group, hướng đến xu hướng TTTM "một điểm đến nhiều tiện ích". Trong đó, siêu thị ngày nay không chỉ được định nghĩa là nơi bán đồ ăn, đi chợ mà còn là điểm đến giải trí, mua sắm, vui chơi cho tất cả các đối tượng.
"Central Group đang cần một điểm nhấn, và khi chỉ vừa đặt vấn đề họ đã ngỏ ý thích Chuk Chuk ngay. Thông qua Chuk Chuk, Central Retail có thể mở rộng danh mục hàng hóa phân phối tại các hệ thống bán lẻ với những sản phẩm mới, gia tăng lượng khách hàng. Họ có thể kéo thêm traffic, kéo thêm khách hàng là các bạn trẻ đến ăn uống, sinh hoạt, tụ tập", ông Trần Lệ Nguyên – đại diện KDC cho hay.
Trước đó, Central Group cũng có hợp tác với chuỗi cà phê Thái Lan mang thương hiệu Café Amazon. Ghi nhận, những giới thiệu khai trương của các TTTM GO! của Central Group thường đi kèm với quảng cáo chuỗi Café Amazone.
Mua lại Emart, THACO muốn phát triển điểm đến gồm TTTM, hội nghị - tiệc cưới, showroom, sữa chữa ô tô
Thực tế, "một điểm đến, nhiều tiện ích" đang là xu hướng không chỉ ở thành phố lớn mà lan rộng ra hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Đây cũng là mô hình nhiều đại gia bán lẻ đang theo đuổi, phải kể đến tỷ phú Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang hay Seedcom (sở hữu chuỗi The Coffee House).
Đầu tháng 10 vừa qua, THACO hoàn tất mua lại 100% vốn của EMart Việt Nam từ Emart Hàn Quốc. Chia sẻ thương vụ này, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết Emart có nền tảng kinh doanh rất tốt, đặc biệt là hiệu quả trên từng cửa hàng. Và việc mua lại Emart là mảnh ghép cuối cho mô hình một điểm dừng, nhiều tiện ích của THACO.
Cụ thể, ông Dương kỳ vọng sự tích hợp của đại siêu thị cùng với showroom ôtô và các dịch vụ thương mại khác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Bởi, xu hướng hiện nay là phát triển các đại siêu thị, đặc biệt ở các tỉnh thành. Trong khi đó, sức ảnh hưởng của TTTM sẽ nhỏ dần.
Riêng THACO, Tập đoàn đang theo đuổi mô hình một điểm dừng vừa là nơi để khách hàng mua và bảo dưỡng ôtô, trải nghiệm trung tâm hội nghị - tiệc cưới, các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà lẫn mua sắm các thực phẩm thiết yếu.
Fresh&Chill – Điểm bán lẻ hiện đại của Masan, nơi khách hàng có thể rút tiền, đi chợ, uống trà sữa và mua thuốc
Hay Masan, mua lại chuỗi VinMart/VinMart từ Vingroup, Tập đoàn đã sớm phát đi thông điệp muốn xây dựng điểm đến Point of Life (POL) – nền tảng "tất cả trong một" phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.
Với lợi thế là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu, cùng ngân hàng Techcombank, Masan đang từng bước hoàn thiện mô hình POL của mình thông qua loạt thương vụ M&A (Phúc Long, mới nhất là chuỗi nhà thuốc Phano).
Trong đó, Tập đoàn vừa ra mắt trung tâm Fresh&Chill – nơi tích hợp VinMart, Phúc Long, Techcombank và Phano. Hiểu nôm na, khách hàng có thể rút tiền, đi chợ, ngồi uống trà sữa "chém gió" và tiện thể mua thực phẩm chức năng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Sự kết hợp này được Masan gọi là mô hình bán lẻ hiện đại – CVLife (Convenience Life).
Tại đây, người tiêu dùng được phục vụ nhiều sản phẩm và dịch vụ tại duy nhất một điểm đến, qua đó góp phần tăng doanh thu/m2 bằng cách bán chéo, bán thêm sản phẩm thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết. Thống kê cũng cho thấy, lượng khách đến 3 cửa hàng thí điểm tích hợp đa dịch vụ đã tăng 27%, 12% và 4% so với giai đoạn trước khi thí điểm. Ngoài ra, Techcombank đã tiếp cận được 1.361 khách hàng mới nhờ có mặt tại các điểm bán của mô hình CVLife.
The Coffee House thu nhỏ và tích hợp vào Kingfood Mart – "công thức" mới của Seedcom
Không ngoài cuộc, The Coffee House trong công cuộc tái cấu trúc hậu Covid-19 cũng phát triển mô hình Kios mang tên TCH Now, tích hợp vào các siêu thị Kingfood Mart. Được biết, Kingfood Mart là em út của hệ sinh thái Seedcom và có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian đại dịch bùng phát.
Thống kê từ đầu năm 2020, Kingfood Mart là thành viên có hoạt động kinh doanh sôi nổi và tăng trưởng tốt nhất trong hệ sinh thái. Do đó, tích hợp TCH Now không chỉ giúp tận dụng được lượng traffic của nhau, mà cũng là cách thức nhân rộng thương hiệu, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh The Coffee House chịu tác động nặng nề bởi Covid-19.
Thực tế, mô hình này đã sớm được khai thác trên thế giới, kể tên có SM Prime (SM Prime Holdings), Central Pattana (Central Pattana Public Co.) – công ty con của Central Group và AEON (AEON Mall Co.). Tại Việt Nam, Vincom Retail (VRE) là doanh nghiệp đi theo mô hình này với sự "bảo trợ" của Vingroup - chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam. Với những lợi thế nói trên, AEON cũng như VRE hiện kinh doanh khá hiệu quả với biên lãi gộp lên đến 25-26%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt cho biết cơ hội lớn sẽ dành cho các Trung tâm thương mại (TTTM) - nơi cung cấp trải nghiệm mua sắm "một điểm đến" mà người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm bán lẻ đa dạng bao gồm các phân khúc truyền thống như thời trang, mỹ phẩm bên cạnh F&B, spa, siêu thị, cửa hàng điện tử, rạp chiếu phim hay các dịch vụ giải trí khác. Với diện tích trung bình từ 20.000 m2 đến hơn 100.000 m2, các TTTM cung cấp cho người thuê nhiều diện tích hơn để đem đến nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ hơn so với hình thức từng gian hàng nhỏ trong các cửa hàng bách hóa.
"Khái niệm một điểm đến tại các TTTM ở Việt Nam – vốn đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực – sẽ tiếp tục trở nên phổ biến", VCSC nhấn mạnh.
Tri TúcTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.