Không để du lịch sinh thái miệt vườn mãi là "tiềm năng"
Long Hồ là huyện cửa ngõ phía Bắc tỉnh Vĩnh Long, bao bọc xung quanh thành phố Vĩnh Long với nhiều di tích lịch sử. Tuy vậy, du lịch Long Hồ từ lâu đã định hướng về sinh thái miệt vườn với nhiều tiềm năng của miền sông nước.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với ông Võ Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) xung quanh vấn đề này nhân thời điểm toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến du lịch sau đại dịch COVID-19.
Phóng viên: Sau đại dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long nói chung, huyện Long Hồ nói riêng bắt đầu tăng tốc xúc tiến du lịch. Xin ông cho biết, đến hơn nửa năm qua du lịch Long Hồ đã khởi sắc như thế nào?
Ông Võ Trung Sơn: Chúng tôi đang tổng lực tập trung cho du lịch, trước hết là làm mới chính mình. Trên địa bàn huyện có 2 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Chùa Tiên Châu (xã An Bình) và Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng (Long Phước); 7 di tích cấp tỉnh gồm: Đình Hòa Ninh (xã Hòa Ninh), Miếu Âm Nhơn (xã Phước Hậu), Đình Kỳ Hà (xã Phú Đức), Mộ nhà thơ Nhiêu Tâm (xã Thanh Đức) và Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh), Đình chùa Ông (Quan Thánh Miếu xã Thanh Đức), Đình An Thành (xã An Bình).
Các di tích luôn được quan tâm tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp để phục vụ khách tham quan, chiêm bái vào dịp ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm và ngày cúng (vía), các di tích đã được thành lập ban bảo vệ di tích, có phân công người trực, đón tiếp phục vụ tốt cho du khách tham quan và chiêm bái. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các di tích tổ chức đón tiếp khách đến tham quan và cúng bái trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, trong quý các di tích tiếp đón hơn 30.802 lượt người đến viếng.
Đến thời điểm hiện tại Long Hồ đã phát triển được trên 19 cơ sở lưu trú du lịch (homestay) có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN Homestay, 6 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 5 nhà nghỉ đạt chuẩn theo quy định, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch (không có lưu trú) và trên 20 điểm tham quan vườn trái cây, cây giống.
Lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái của huyện trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng đáng kể, đạt khoảng 85.320 lượt khách (tăng 30% so cùng kỳ năm 2021) chủ yếu là khách nội địa và các địa phương lân cận, tổng doanh thu ước đạt 20,890 triệu đồng (tăng hơn 43% so cùng kỳ).
Phóng viên: Xúc tiến du lịch từ lâu không chỉ là nhu cầu của các đơn vị kinh doanh du lịch mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương với tư cách quản lý Nhà nước. Vậy, thưa ông, trong thời gian qua, chính quyền Long Hồ đã xúc tiến du lịch như thế nào?
Ông Võ Trung Sơn: Để quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch Long Hồ đến với du khách trong và ngoài nước, huyện phối hợp với Sở VH,TT&DL tăng cường đăng tải hình ảnh, thông tin về du lịch lên trang Vĩnh Long Tourism và Trang thông tin điện tử Long Hồ. Huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện và phối hợp với Báo Vĩnh Long, Đài truyền hình Vĩnh Long xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các video clip phóng sự về du lịch đăng tải trên trang thông tin điện tử, trực tiếp phát thanh, phát hình trên đài truyền hình, trên trang mạng xã hội "YouTube, Facebook, Zalo…" thường xuyên, góp phần cung cấp quảng bá những thông tin hữu ích, những hình ảnh tươi đẹp, hấp dẫn của du lịch Long Hồ để khách du lịch biết đến.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, phòng VH&TT đã lắp đặt và thay mới 40 bảng pano, bảng hướng dẫn (hơn 260m2) tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch và hơn 10 bản đồ, sơ đồ chỉ dẫn, hướng dẫn các địa điểm tham quan du lịch ở 4 xã Cù Lao của huyện. Phòng cũng đã tham mưu UBND huyện tổ chức tọa đàm du lịch, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở du lịch, phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, tham dự có 25 cơ sở, công ty và doanh nghiệp hoạt động du lịch.
Khuyến khích các cơ sở du lịch nâng cấp các điểm du lịch hiện có, tổ chức tọa đàm giới thiệu các mô hình du lịch, các điểm du lịch, các Công ty du lịch trong tỉnh và liên kết với các Công ty du lịch lữ hành, các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nhà vườn (homestay), du lịch làng nghề ở các địa phương khác liên kết tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, tham quan, vui chơi mới lạ, phong phú để thu hút du khách đến tham quan.
Phóng viên: Nói đến du lịch Long Hồ là nói đến du lịch sinh thái miệt vườn. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm du lịch này gần như vẫn dẫm chân tại chỗ, thiếu sáng tạo. Thời gian tới, người ta muốn nhìn thấy những cái mới, độc, lạ của loại hình du lịch này ở Long Hồ, ông thấy có khả thi?
Ông Võ Trung Sơn: Du lịch mà không đổi mới thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều day dứt của những người làm du lịch ở Long Hồ là làm sao biến những lợi thế, tiềm năng của địa phương thành lợi ích thiết thực nhất, chứ không để mãi ở dạng… tiềm năng!
Chúng tôi đang xây dựng đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao huyện Long Hồ: tổng chiều dài cả cầu và đường là 14,677 km, bề rộng mặt đường láng nhựa 5,2m, nền đường rộng 6,5m, tải trọng cho xe 10T, cấp VI đồng bằng. Song song đó, dành 169 tỉ đồng vốn ngân sách triển khai thi công 18/20 cầu trên địa bàn.
Về chính sách, địa phương đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch trên địa bàn, chỉnh trang lại các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tập trung khai thác thế mạnh những loại hình: Du lịch nhà - vườn kết hợp nghỉ dưỡng theo hình thức homestay; du lịch sông nước gắn với hoạt động nuôi thủy sản hoặc đánh bắt thủy hải sản trên sông; du lịch tín ngưỡng tâm linh gắn với hoạt động nhân đạo từ thiện... Tăng cường công tác bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết đối với các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch để tạo tâm lý an tâm, tin tưởng cho du khách.
Ngoài ra, chúng tôi chú tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý du lịch và người kinh doanh du lịch. Kết hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo tại chổ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân viên phục vụ tốt cho hoạt động du lịch. Chú trọng huy động và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đảm bảo cho người dân 4 xã Cù Lao được tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh du lịch, nâng cao đời sống, có nguồn thu nhập ổn định, đây cũng là yếu tố cơ bản để nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại...